Gần 1/3 bệnh nhân báo cáo các triệu chứng kéo dài từ 6 - 12 tháng sau khi mắc COVID-19

Quỳnh Chi (Theo CTV News)-Chủ nhật, ngày 06/03/2022 17:21 GMT+7

(Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Cuộc khảo sát trên 152.000 người ở Đan Mạch đã phát hiện ra rằng, gần 1/3 số người báo cáo có ít nhất một triệu chứng liên tục từ 6 đến 12 tháng sau khi nhiễm COVID-19.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Huyết thanh Nhà nước (SSI) của Đan Mạch cho biết, nghiên cứu được thực hiện với số lượng lớn nhất người bệnh phải chưa nhập viện vì COVID-19 và theo dõi họ lâu hơn các nghiên cứu lớn khác.

Nghiên cứu dựa trên bảng câu hỏi gợi ý về các triệu chứng kéo dài, trong đó triệu chứng thường được báo cáo nhất là thay đổi khứu giác và vị giác, cũng như mệt mỏi.

Cuộc khảo sát, được tiến hành từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021, trước khi có sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đã so sánh phản hồi của 61.002 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 6, 9 hoặc 12 tháng trước đó với 91.878 người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tổng cộng 29,6% số người có kết quả xét nghiệm dương tính được hỏi cho biết, họ gặp ít nhất một triệu chứng liên quan đến thể chất liên tục từ 6 đến 12 tháng sau khi nhiễm bệnh, so với 13% ở nhóm đối chứng (nhóm những người không mắc COVID-19 tham gia khảo sát).

Chỉ hơn một nửa (53,1%) những người có kết quả xét nghiệm dương tính cho biết họ đã bị kiệt quệ về tinh thần hoặc kiệt sức thể chất, khó ngủ hoặc gặp các vấn đề về nhận thức trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi nhiễm bệnh. Con số này là 11,5% ở nhóm đối chứng.

Gần 1/3 bệnh nhân báo cáo các triệu chứng kéo dài từ 6 - 12 tháng sau khi mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều người mắc COVID-19 gặp ít nhất một triệu chứng liên quan đến thể chất liên tục từ 6 đến 12 tháng sau khi nhiễm bệnh. (Ảnh: News Medical)

Nghiên cứu cho thấy, những chẩn đoán mới về tình trạng lo âu và trầm cảm cũng phổ biến hơn ở những người có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu đã được xuất bản dưới dạng bản in trước và chưa được đánh giá ngang hàng.

Tác giả nghiên cứu Anders Peter Hviid, giáo sư dịch tễ học tại SSI, cho biết, kết quả là một dấu hiệu khác cho thấy, triệu chứng COVID-19 kéo dài nên được các nhà hoạch định chính sách xem xét.

"Đó là điều bạn nên tính đến khi cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của các biện pháp can thiệp bạn đang thực hiện cũng như việc tiêm vaccine", ông Anders Peter Hviid nói và nhấn mạnh rằng, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu.

Các ước tính về mức độ phổ biến của cái được gọi là hội chứng COVID-19 kéo dài là khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới gọi hội chứng này là tình trạng Post-COVID-19 và định nghĩa, đây là các triệu chứng liên tục (bao gồm mệt mỏi hoặc khó thở trong số những triệu chứng khác) trong 3 tháng sau lần nhiễm bệnh lần đầu tiên và kéo dài trong ít nhất 2 tháng.

WHO ước tính, từ 10% đến 20% số người bị ảnh hưởng bởi hội chứng COVID-19 kéo dài và cho biết, cần phải nỗ lực hơn để có những giải pháp mang tính lâu dài.

David Strain, giảng viên tại Đại học Y khoa Exeter ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng, báo cáo này "thực sự đáng lo ngại."

Ông Strain nói: "Nếu biến thể Omicron gây ra COVID-19 kéo dài với tốc độ tương tự như các biến thể trước đó, chúng ta có thể phải xem xét một cuộc khủng hoảng trong vòng 12 tháng tới với số lượng lớn người đã mắc bệnh".

Nguyên nhân dẫn tới tổn thương thần kinh trong trường hợp mắc COVID-19 kéo dài Nguyên nhân dẫn tới tổn thương thần kinh trong trường hợp mắc COVID-19 kéo dài Châu Âu đối mặt với mối đe dọa về 'đại dịch kép' cúm - COVID-19 kéo dài Châu Âu đối mặt với mối đe dọa về "đại dịch kép" cúm - COVID-19 kéo dài Bệnh nhân hội chứng COVID-19 kéo dài có nguy cơ bị tổn thương tim Bệnh nhân hội chứng COVID-19 kéo dài có nguy cơ bị tổn thương tim

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước