Vượn cáo nâu ăn trái cây và rau (Ảnh: Cơ quan Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật)
Hoạt động trên diễn ra sau chiến thắng mang tính bước ngoặt chống lại vấn nạn buôn bán động vật hoang dã ở Thái Lan, với đợt chuyển động vật hồi hương về Madagascar đầu tiên vào ngày 31/11. Theo các quan chức Thái Lan, đây là đợt hồi hương lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.
Cảnh sát Thái Lan đã thu hồi 1.117 cá thể động vật - trong đó có 8 con đã chết - trong một chiến dịch chống buôn bán động vật hoang dã ở tỉnh Chumphon, miền Nam nước này vào tháng 5. Trong số đó có rùa nhện Madagascar, rùa cạn, vượn cáo đuôi vòng và vượn cáo nâu. Tất cả đều được liệt kê là những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Những loài này rất được săn đón ở châu Á, mặc dù việc tái tạo môi trường sống tự nhiên của chúng là vô cùng khó khăn, thường khiến tính mạng của chúng gặp nguy hiểm. Một số loài động vật hoang dã bị thu giữ vào tháng 5 đã chết vì sức khỏe kém do thiếu thức ăn và nước uống khi chúng bị buôn lậu vào Thái Lan. Một số con cũng không thích nghi được với môi trường mới.
Rùa được cứu hộ trong môi trường sống của chúng (Ảnh: Cơ quan Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật)
Chính quyền Thái Lan đã tổ chức một buổi lễ chính thức tại thủ đô Bangkok vào ngày 27/11 để trao trả các động vật đã thu giữ cho chính quyền Madagascar.
Tổng cộng 961 động vật còn sống sẽ được gửi trở lại trên 3 chuyến bay do Qatar Airways khai thác bắt đầu từ ngày 29/11.
Nhóm bảo tồn Traffic có trụ sở tại Anh cho biết trong một tuyên bố rằng việc hồi hương là "một minh chứng thực sự cho sức mạnh của sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng buôn bán động vật hoang dã". Nhóm này cho biết trong một báo cáo năm 2023 rằng hoạt động buôn bán gỗ và động vật hoang dã bất hợp pháp đã được xác định là mối đe dọa lớn thứ 2 đối với đa dạng sinh học phong phú của Madagascar.
Theo báo cáo, Thái Lan là nước nhập khẩu động vật hoang dã lớn nhất từ Madagascar ở Đông Nam Á - khu vực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động buôn bán và tái xuất một số loài bị đe dọa nhất của Madagascar. Theo báo cáo, từ năm 1975 đến năm 2019, Thái Lan đã trực tiếp và gián tiếp xuất khẩu gần 35.000 động vật hoặc sản phẩm của chúng từ Madagascar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!