Gặp cô gái "dũng cảm nhất thế giới" giành giải Nobel Hòa bình

Vũ Thược-Thứ bảy, ngày 11/10/2014 11:17 GMT+7

Bìa cuốn sách tự truyển của Malala

Ở tuổi 17, cô gái đến từ Pakistan Malala Yousafzai là người trẻ nhất giành giải thưởng danh giá Nobel Hòa bình.

Cô bé 11 tuổi, Malala Yousafzai bắt đầu được thế giới biết đến khi viết nhật ký về cuộc sống “không âm nhạc, không phụ nữ lộ diện và tất nhiên là không học hành cho các em gái” dưới sự kiểm soát của Taliban tại quận Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan.

Những trang nhật ký của em được đăng tải trên trang BBC tiếng Urdu đã gây phẫn nộ cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Vào ngày 9/10/2012, khi đang trên đường về nhà, Malala bị một tay súng bắn. Kẻ bịt mặt leo lên xe buýt gọi tên Malala, sau đó bắn thẳng vào đầu cô làm viên đạn xuyên vào mắt trái và vỡ hộp sọ. Vụ tấn công vào một học sinh nữ lên tiếng vì quyền được học hành của trẻ em gái, đã gây chấn động ở Pakistan và thế giới.

Bất chấp sự phản đối từ khắp nơi, Taliban quyết tâm giết chết bằng được Malala và cha cô. Biểu tình đã bùng phát khắp nơi để lên án và chống lại sự vô nhân đạo của cuộc truy lùng.

Malala là mục tiêu giết hại của Taliban (Ảnh: Guardian)

Malala là mục tiêu giết hại của Taliban (Ảnh: Guardian)

Tình trạng của Malala khi đó vô cùng nguy kịch. Sau đó, cô được chuyển tới bệnh viện Queen Elizabeth Hospital ở Birmingham, Anh để chữa trị. Một cách thần kì, Malala đã sống sót. Cô trải qua nhiều tháng trời trong bệnh viện và được mổ nhiều lần để chỉnh xương sọ.

Không sợ hãi với những gì đã diễn ra với mình, Malala tiếp tục lên tiếng, nói ra sự thật, đấu tranh cho quyền được học tập và công bằng cho hàng triệu các em gái trên thế giới.

Ngày 11/10/2013, Malala vinh dự được gặp gia đình Tổng thống Obama trong cuộc trò chuyện vô cùng thân mật tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Tại đây, Tổng thống Obama đã cảm ơn cô gái 16 tuổi vì “những nỗ lực của cô trong cuộc đấu tranh giành quyền được học tâp cho trẻ em gái ở Pakistan". Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi, sự dũng cảm của cô đã “truyền cảm hứng” cho hàng triệu người trên thế giới.

Malala trong cuộc gặp gỡ gia đình Tổng thống Mỹ Obama (Ảnh: AP)

Malala trong cuộc gặp gỡ gia đình Tổng thống Mỹ Obama (Ảnh: AP)

Mặc dù mới 17 tuổi nhưng Malala Yousafzai đã được tôn vinh ở nhiều giải thưởng danh giá. Cô được Tạp chí Times bình chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2013. Malala cũng người đầu tiên giành giải thưởng Quốc gia về hòa bình dành cho giới trẻ ở Pakistan.

Và ngày hôm qua 10/10, tên cô đã được xướng tên ở giải Nobel Hòa bình 2014 cùng nhà hoạt động xã hội của Ấn Độ, luật sư Kailash Satyarthi .

Malala nghe tin mình đoạt giải khi đang trong lớp học tại Birmingham, Anh. Trong phát biểu của mình sau khi giải thưởng Nobel Hòa bình được công bố, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon mô tả Malala “là người quảng bá hòa bình dũng cảm và dịu dàng”.

Malala bên cạnh Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (bên trái) (Ảnh: AFP)

Malala bên cạnh Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (bên trái) (Ảnh: AFP)

Ngay khi biết tin, Tổng thống Mỹ cũng đã gửi lời chúc mừng tới Malala Yousafzai và luật sư Kailash Satyarthi.

“Với việc tôn vinh Malala Yousafzai và Kailash Satyarthi, giải Nobel Hoà bình nhắc nhở chúng ta về sự cấp thiết cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ các quyền chính đáng và tự do cho những người trẻ. Đây là chiến thắng cho tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ nhân phẩm và giá trị của con người”, Tổng thống Mỹ cho biết.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước