Theo dữ liệu từ Viện Năng lượng (EI), nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Liên minh châu Âu đã tăng mạnh vào năm 2022, khi khối này phải vật lộn để bù đắp cho nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga đã bị cắt.
Đánh giá thống kê hàng năm của EI về năng lượng thế giới cho thấy, nhập khẩu khí đốt qua đường ống của châu Âu vào năm 2022 là khoảng 151 tỷ m3, thấp hơn so với 232 tỷ m3 một năm trước đó. Mức giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022 tương phản với nhập khẩu LNG, đã tăng lên 170 tỷ m3 vào năm 2022, từ 108 tỷ m3 một năm trước đó. Để đạt được mức nhập khẩu trên, EU với 27 quốc gia thành viên đã phải xây dựng các cảng nhập khẩu LNG.
Nick Wayth, Giám đốc điều hành của EI có trụ sở tại London (Anh), cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm đảo lộn "những giả định về nguồn cung trên toàn thế giới". Ông giải thích: "Những thay đổi này đã gây ra một cuộc khủng hoảng giá cả và áp lực chi phí sinh hoạt sâu sắc đối với nhiều nền kinh tế".
EU đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga vào đầu năm 2022 như một phần trong chính sách trừng phạt của mình, đồng thời cấm vận chuyển dầu bằng đường biển của Moscow và tham gia cùng các nước G7 trong việc áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga. Việc cung cấp khí đốt của Nga tới EU đã giảm xuống mức thấp kỷ lục do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine và vụ phá hoại của các đường ống Dòng chảy phương Bắc. Theo báo cáo của EI, Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU.
Để bù đắp cho lượng khí đốt từ đường ống dẫn của Nga bị mất đi, khối này đã tăng cường nhập khẩu LNG, bao gồm cả từ Nga. Theo tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), vào năm 2022, nhập khẩu LNG của EU từ Nga đạt mức cao nhất trong ba năm, ở mức 19,2 tỷ m3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!