Liên hợp quốc (LHQ) ước tính có khoảng 42 triệu tấn vật liệu phế thải, gấp 14 lần khối lượng vật liệu đổ nát tích tụ ở Gaza từ năm 2008 đến khi chiến sự nổ ra. LHQ đang cố gắng giúp chính quyền Gaza xem xét giải quyết đống đổ nát này nhưng chắc chắn đây là một thử thách vô cùng lớn.
Ở bất cứ con phố nào tại Dải Gaza cũng tràn ngập các đống đổ nát giống như thể nó vừa trải qua một trận động đất kinh khủng. 163.000 tòa nhà đã bị hư hại hoặc bị san phẳng.
Ông Jihad Shamali (người dân Gaza) chia sẻ: "Gaza đã bị ghiền nát trong 1 năm qua, sự tàn phá chưa từng thấy trong lịch sử".
Các tòa nhà bị phá hủy ở Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza, ngày 7/10/2024 - một năm sau khi chiến sự nổ ra giữa Israel và Hamas (Ảnh: AFP)
Những đống đổ nát này gây ra nguy cơ rất lớn về sức khỏe.
Theo bà Mozhgan Savabieasfahani (chuyên gia môi trường): "Tôi có thể đảm bảo 100% rằng mọi người đang phải tiếp xúc với lượng lớn chất ô nhiễm, trong nước, trong không khí và cả thức ăn. Nó sẽ gây ra các loại tổn thương tế bào sinh sản ở cha và mẹ. Điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng khủng khiếp các dị tật bẩm sinh của trẻ em ở Gaza".
Một nhóm công tác của LHQ đã lên kế hoạch thực hiện dự án thí điểm dọn dẹp các đống đổ nát tại Khan Younis và thành phố Deir El-Balah trong tháng này. Chi phí để dọn dẹp Gaza ước tính lên tới hàng tỷ USD và có thể kéo dài hơn 10 năm nếu như chiến tranh có thể kết thúc ngay lúc này cho công tác dọn dẹp.
Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023 đã làm 1.200 người thiệt mạng, khoảng 250 người bị bắt giữ làm con tin.
Chiến dịch quân sự trả đũa sau đó của Israel đã làm gần 42.000 người thiệt mạng ở Gaza. Khoảng 2/3 cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thiệt hại ước tính 18,5 tỷ USD, tương đương 97% GDP của cả Gaza và Bờ Tây trong năm 2022. 1,9 triệu người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người trong số họ đã di tản nhiều lần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!