Những bước tiến dồn dập của IS trên thực địa đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc đến khả năng đóng vai trò lớn hơn trong Liên minh do Mỹ dẫn đầu, để chống lại sự bành trướng của nhóm phiến quân cực đoan này.
Giao tranh tại khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng hơn sau khi Ankara đã bày tỏ những dấu hiệu cho thấy nước này có thể gửi quân tới Syria hoặc Iraq; đồng thời cho phép các nước đồng minh sử dụng các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại lực lượng IS.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng cho mọi hình thức hợp tác để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia theo đuổi các giải pháp tạm thời hay cho phép các quốc gia khác lợi dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ngày 30/9 vừa qua, nội các Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ trình một đề xuất lên Quốc hội, đề nghị mở rộng các quyền lực hiện tại và cho phép Ankara yêu cầu các hành động quân sự để truy quét lực lượng IS. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các lực lượng nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước này vì mục đích chống lại nhóm phiến quân IS.
Có chung 1.200km đường biên giới với Iraq và Syria, do đó Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một trong những tiền tuyến quan trọng nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Ankara vẫn tỏ ra do dự trước một hành động quân sự, do lo ngại điều này có thể củng cố sức mạnh cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad - điều mà Ankara không hề mong muốn.