Việc thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nói trên đồng thời sẽ giúp ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần.
Dự luật được thông qua với 314 phiếu thuận và 108 phiếu chống. Trong số các phiếu chống có đến 106 phiếu của thành viên đảng Cộng hòa và 2 thành viên đảng Dân chủ. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật ngân sách này sẽ được gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký thành luật.
Trước đó, vào ngày 16/1, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ 77 phiếu thuận và 18 phiếu chống nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần bắt đầu từ cuối tuần này.
Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều tăng tốc bỏ phiếu đối với dự luật này do dự báo có trận bão tuyết trong ngày 19/1 có thể khiến các nhà lập pháp phải rời trụ sở vào cuối tuần.
Một số cơ quan liên bang ở Mỹ, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, sẽ cạn kiệt ngân sách hoạt động vào ngày 19/1. Trong khi đó, những cơ quan khác như Bộ Quốc phòng chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 2/2 tới nếu không được cấp thêm ngân sách.
Phiên họp của Hạ viện Mỹ ngày 6/1/2023 (Ảnh: AFP)
Theo thỏa thuận hiện nay, ngân sách của chính phủ cho các chương trình liên bang liên quan đến giao thông, nhà ở, nông nghiệp, năng lượng, cựu binh và xây dựng quân đội sẽ cạn vào ngày 19/1. Nếu được lưỡng viện thông qua, dự luật chi tiêu tạm thời sẽ cho phép kéo dài thời hạn chót này đến hết ngày 1/3/2024.
Các cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tại quốc hội Mỹ thường xuyên lâm vào thế bế tắc khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn tận dụng nguy cơ chính phủ đóng cửa để gây sức ép buộc đối phương nhượng bộ. Tuy nhiên, hai bên vẫn đạt thỏa hiệp vào phút chót để duy trì hoạt động cho chính phủ.
Được biết, Chính phủ Mỹ đang hoạt động theo đạo luật ngân sách cho phép một phần hoạt động đến ngày 19/1, phần còn lại có thể hoạt động đến ngày 2/2. Dự luật mới sẽ gia hạn hai mốc thời gian trên đến ngày 1/3 và 8/3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!