Hài cốt thiếu nữ 7.200 năm tuổi thách thức giả thuyết hiện hữu về con người sơ khai

Quỳnh Chi (Theo Sky News)-Chủ nhật, ngày 29/08/2021 09:45 GMT+7

Hài cốt của Besse được phát hiện trong hang động Leang Panninge trên đảo Sulawesi vào năm 2015. (Ảnh: Đại học Hasanuddin)

VTV.vn - Hài cốt của thiếu nữ, có biệt danh là Besse, đã được tìm thấy trong hang động Leang Panninge trên đảo Sulawesi của Indonesia vào năm 2015.

Với việc phát hiện hài cốt của một thiếu nữ cổ đại ở Indonesia, đây được cho là lần đầu tiên DNA của người cổ đại được phát hiện tạikhu vực này, thách thức các giả thuyết trước đây xung quanh quá trình di cư của loài người thuở sơ khai.

Các nhà khảo cổ học đã phân tích DNA được tìm thấy trong hài cốt của thiếu nữ đã chết cách đây 7.200 năm ở Indonesia. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, một nhóm người Austronesians đã đi qua Wallacea (định danh địa lý sinh vật học cho một nhóm các đảo chủ yếu thuộc Indonesia được ngăn cách bởi những eo biển nước sâu từ thềm lục địa châu Á và châu Úc) và lan truyền gene Đông Á vào khoảng 3.500 năm trước.

Tuy nhiên, việc khám phá hài cốt của Besse cho thấy, những người mang gene Đông Á có thể đã ở đó từ rất lâu trước đó.

Sau khi trích xuất DNA từ xương trong tai trong của Besse, các nhà khoa học phát hiện, cô có chung tổ tiên với người New Guinea và thổ dân Úc, cũng như một loài người cổ đại đã tuyệt chủng. Trong những báo cáo được đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cho rằng, thiếu nữ này có thể đã sống ở Sulawesi vào thời kỳ nền văn hóa cổ đại Toalean.

Giáo sư Adam Brumm từ Đại học Griffith cho biết: "Người Toalean là tộc người săn bắn hái lượm sơ khai, sống ẩn dật trong các khu rừng ở Nam Sulawesi từ khoảng 8.000 năm đến 1.500 năm trước, săn bắt lợn rừng và thu thập động vật giáp xác ăn được từ các con sông".

Hài cốt thiếu nữ 7.200 năm tuổi thách thức giả thuyết hiện hữu về con người sơ khai - Ảnh 1.

Các nhà khảo cổ khai quật tại hang động Leang Panninge trên đảo Sulawesi. (Ảnh: Dự án nghiên cứu Leang Panninge)

Hài cốt của Besse được tìm thấy cùng với các công cụ thường được người Toalean sử dụng. Theo ông Adhi Agus Oktaviana, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khảo cổ học quốc gia của Indonesia, Tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội Griffith, điều này cho thấy rằng, nền văn hóa trong quá khứ nói trên có mối liên hệ hạn chế với các cộng đồng người Sulawesi sơ khai khác hoặc cư dân ở các hòn đảo lân cận, tồn tại trong hàng nghìn năm biệt lập.

Các nhà nghiên cứu thông tin, kết quả phân tích DNA xác nhận rằng, những người chuyên săn bắt hái lượm Toalean có liên quan đến các tộc người hiện đại đầu tiên đến Wallacea vào khoảng 65.000 năm trước.

Giáo sư Brumm nói: "Những người đi biển, săn bắn hái lượm này là các cư dân sớm nhất của Sahul, siêu lục địa xuất hiện trong Kỷ Pleistocen (Kỷ băng hà), khi mực nước biển toàn cầu giảm xuống, làm lộ ra một cây cầu trên đất liền nối giữa Australia và New Guinea. Để đến được Sahul, những con người tiên phong này đã vượt đại dương qua Wallacea, nhưng có rất ít thông tin, dữ liệu về về hành trình của họ".

Theo Giáo sư Brumm: "Việc phát hiện ra Besse và ý nghĩa tổ tiên di truyền của hài cốt thiếu nữ này cho thấy, chúng ta còn hiểu rất ít về câu chuyện của con người sơ khai trong khu vực này và còn rất nhiều điều khác để khám phá".

Phát hiện hài cốt 1.000 năm tuổi của trẻ sinh đôi ở Thụy Điển Phát hiện hài cốt 1.000 năm tuổi của trẻ sinh đôi ở Thụy Điển Phát hiện hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công có niên đại 3.000 năm Phát hiện hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công có niên đại 3.000 năm Phát hiện 40 mộ cổ với hài cốt chôn trong bình Phát hiện 40 mộ cổ với hài cốt chôn trong bình

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước