Cháy rừng bùng phát trên một ngọn núi ở Samcheok, Hàn Quốc, ngày 4/3/2022. (Ảnh: AP)
Vụ cháy rừng đe dọa phá hủy nhà máy điện hạt nhân Hanul. Tổng thống Hàn Quốc Moon-Jae-in đã ra lệnh nỗ lực khẩn cấp để ngăn chặn ngọn lửa.
Tuy nhiên, gió mạnh và nỗ lực từ các nhân viên cứu hỏa đã chuyển hướng đám cháy rừng lan xuống phía Nam, tránh nhà máy hạt nhân.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, ông Park Kyung-mee cho biết: "May mắn là không có thương vong trong vụ cháy rừng và các cơ sở cốt lõi như khu liên hợp khí đốt tự nhiên hóa lỏng Samcheok và nhà máy điện hạt nhân Hanul vẫn an toàn".
Hơn 150 ngôi nhà và 53 công trình kiến trúc khác đã bị phá hủy do vụ cháy rừng cho đến nay, nhưng không có thương vong nào được báo cáo.
Lực lượng cứu hỏa sở tại đã gặp khó khăn trong việc dập tắt ngọn lửa do gió thổi mạnh tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sự hỗ trợ trong nỗ lực chữa cháy của máy bay trực thăng cũng bị ảnh hưởng do khói dày đặc.
Hiện không có thương vong nào được báo cáo do vụ cháy rừng. (Ảnh: Yohap)
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) Kim Jae-Hyun xác nhận: "Vì khu vực bị ảnh hưởng quá lớn nên chúng tôi nỗ lực chế ngự ngọn lửa đang di chuyển về phía Nam trong buổi sáng. Chúng tôi đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vụ cháy vào lúc chiều tối".
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, nguy cơ cháy rừng gây ra thiệt hại thảm khốc có thể tăng 50% vào năm 2100, trong đó các khu vực như Bắc Cực phải đối mặt với nguy cơ ngày càng cao.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng đáng kể chi tiêu của họ trong việc chuẩn bị ứng phó và phòng chống cháy rừng trong một nỗ lực ngăn chặn khỏi những tác động tàn phá.
Vào tháng 8/2021, bang California (Mỹ) đã trải qua trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử của bang này với 1.000 ngôi nhà bị phá hủy và 3 người tử vong do cháy rừng.
Trong năm 2021, cháy rừng cũng đã tấn công các quốc gia như Italy, Israel và Bolivia, gây thiệt hại trên diện rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!