Giới phân tích cho rằng, các vụ phóng thử tên lửa đang được tính toán có chừng mực, để không gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của các nước trong khu vực nhưng vẫn khuấy động vấn đề buộc các bên phải quan tâm.
Ngày 9/5, Hàn Quốc khẳng định theo dõi chặt chẽ những động thái của Triều Tiên. Một hội thảo trực tuyến khẩn cấp giữa Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã được tổ chức để đánh giá tình hình. Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên cũng là chủ đề chính của cuộc hội đàm ngày 10/5 giữa đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vụ phóng này là cách Triều Tiên thể hiện quan điểm của mình sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 không đạt kết quả. Tuy nhiên, cũng theo ông Moon Jae-in, với vụ phóng này, Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
"Ngay cả khi là tên lửa tầm ngắn nhưng nếu có đạn đạo thì vụ phóng vẫn có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Những nghị quyết này cấm Triều Tiên phát triển các tên lửa đạn đạo" - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói.
Nhật Bản cũng đã lên tiếng chia sẻ quan điểm của Hàn Quốc. "Hành động phóng các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi thấy rất đáng tiếc về điều đó. Đây dường như là hành động nhằm vào Mỹ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc không đạt kết quả. Chính phủ Nhật Bản hy vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để giải quyết vấn đề" - ông Takeshi Iwaya, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố vẫn đang tìm hiểu thông tin chi tiết về vụ phóng cũng như đánh giá động cơ của Triều Tiên.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 10/5, Trung Quốc kêu gọi các vấn đề về Bán đảo Triều Tiên cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và tất cả các bên cần duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!