Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được công bố trên Tạp chí Quản lý vận tải hàng không. Theo nghiên cứu, các tác giả đã phân tích rủi ro tử vong trong du lịch hàng không thương mại trên mỗi hành khách lên máy bay. Họ phát hiện ra rằng các chuyến bay hiện an toàn hơn khoảng 39 lần so với thời kỳ đầu của du lịch hàng không đại chúng vào cuối những năm 1960.
Ví dụ, trong khi rủi ro tử vong trong du lịch hàng không thương mại là 1/350.000 hành khách lên máy bay trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1968 - 1977, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, rủi ro này là 1/13,7 triệu hành khách lên máy bay.
Giáo sư Arnold Barnett thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - một chuyên gia hàng đầu về an toàn du lịch hàng không, đồng tác giả của nghiên cứu - tuyên bố: "An toàn hàng không tiếp tục được cải thiện. Khả năng tử vong trong chuyến bay vẫn tiếp tục giảm khoảng 7% mỗi năm và tiếp tục giảm gấp đôi sau mỗi thập kỷ".
Các nhà nghiên cứu đã so sánh xu hướng an toàn hàng không với "phiên bản trên không của Định luật Moore" - một dự đoán của nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore rằng sức mạnh tính toán của chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng. Với tư duy đó, họ ước tính rằng hàng không dân dụng đã trở nên an toàn gấp đôi sau mỗi thập kỷ kể từ cuối những năm 1960.
Nghiên cứu không đi sâu vào lý do đằng sau xu hướng này nhưng theo ông Barnett, có một số yếu tố góp phần cải thiện an toàn hàng không. Trong số đó có những tiến bộ công nghệ như hệ thống tránh va chạm trên máy bay, cải thiện đào tạo phi công và công tác của các cơ quan giám sát hàng không và ủy ban an toàn.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng mặc dù an toàn hàng không nói chung đã được cải thiện, một số khu vực trên thế giới vẫn nguy hiểm hơn đối với các chuyến bay thương mại so với những nơi khác. Ví dụ Mỹ, hầu hết các nước châu Âu, Australia, Canada, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản và New Zealand được phát hiện có số ca tử vong trên mỗi hành khách lên máy bay ít hơn 36,5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022 so với hầu hết các quốc gia Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Phi, cũng như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Flight Safety Foundation, Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho các tính toán của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!