Hàng triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở Trung Đông

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ hai, ngày 31/10/2022 06:11 GMT+7

(Ảnh: The Express Tribune)

VTV.vn - Lượng mưa ít, các đợt nắng nóng gay gắt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng khiến Trung Đông trở thành khu vực thiếu nước nhất trên thế giới.

Cùng với hậu quả của biến đổi khí hậu, thực trạng trên đã đe dọa khiến hàng triệu người ở Trung Đông phải di dời.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), "khoảng 90% người tị nạn đến từ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và kém sẵn sàng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu".

Amy Pope, Phó Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), nói: "Nếu mọi người không thể làm ruộng, không thể làm việc, không thể tìm thấy thức ăn, họ có rất ít lựa chọn thay thế để di dời".

Theo bà Pope, vào năm 2021, thiên tai đã buộc "gần ba triệu người" phải rời bỏ nhà cửa ở châu Phi và Trung Đông. "Và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Các nhà nghiên cứu dự đoán, vào năm 2060, ngành nông nghiệp vốn đã căng thẳng ở Ai Cập có thể bị thu hẹp tới 47%.

Theo Florian Bonnefoi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm CEDEJ ở Cairo, ngoài "sự suy giảm trong sản xuất nông nghiệp", tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị còn được nhân rộng bởi "sức hấp dẫn của cuộc sống đô thị, thành phố và các dịch vụ sẵn có ở đó". 

Ngân hàng Thế giới ước tính, đến năm 2050, nếu không có biện pháp nào để ngăn chặn, sẽ có 216 triệu người trên toàn cầu phải di dời trong nước do biến đổi khí hậu, trong đó có 19,3 triệu người ở Bắc Phi.

Viện Địa Trung Hải (IEMed) nhận định, khoảng 7% người dân ở Bắc Phi, nơi có các bờ biển đông dân cư nằm trong số những vùng bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới, sống gần 5 mét (16 feet) trên mực nước biển.

Hàng triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở Trung Đông - Ảnh 1.

(Ảnh: UNHCR)

Khi các đường bờ biển bị ảnh hưởng, dân cư sẽ tự nhiên tập trung về các thành phố lớn như Cairo, Algiers, Tunis, Tripoli, khu vực Casablanca-Rabat và Tangier.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng những "điểm nóng của di cư khí hậu" này lại dễ bị tổn thương do nước dâng.

Ví dụ, tại thành phố Alexandria của Ai Cập, hai triệu người, gần 1/3 dân số ở đây, có thể phải di dời và 214.000 việc làm bị mất nếu mực nước biển dâng 0,5 mét.

Theo nhà kinh tế Assem Abu Hatab, di cư đô thị do khí hậu gây ra có thể "làm tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên", do đó "dẫn đến căng thẳng xã hội và xung đột bạo lực" ở một khu vực mà nông nghiệp hiện đang chiếm 22% việc làm.

Ở Sudan, những cuộc đụng độ giữa các bộ lạc liên quan đến việc tiếp cận nguồn nước và đất đai khiến hàng trăm người thiệt mạng mỗi năm. Chỉ trong hai ngày của tháng 10, ít nhất 200 người thiệt mạng khi bạo lực bùng phát ở bang Blue Nile, miền Nam nước này.

Theo UNICEF, trong số 17 quốc gia khan hiếm nước nhất trên thế giới, 11 quốc gia ở Trung Đông hoặc Bắc Phi.

20% lượng nước ngọt của Iraq có thể biến mất nếu thế giới ấm lên "thêm một độ" và lượng mưa giảm thêm 10%, theo Ngân hàng Thế giới. 1/3 diện tích đất nông nghiệp có thể bị sử dụng để làm hệ thống tưới tiêu, gây ra tình trạng thiếu đất canh tác trầm trọng cho 42 triệu dân Iraq.

Jordan, một trong những quốc gia khô hạn nhất thế giới, đã phải tăng gấp đôi lượng nước nhập khẩu từ Israel vào năm 2021. Và Dải Gaza bị phong tỏa trong nhiều năm đã thiếu nước triền miên.

7,6 tỷ người ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu 7,6 tỷ người ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

VTV.vn - Trong 12 tháng qua, có tới 7,6 tỷ người, tương ứng với 96% dân số thế giới, đã cảm nhận rõ tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên, nhiệt độ tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước