"Hiệu ứng Trump" tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ?

Như Anh (tổng hợp từ Quartz, CNN, Bloomberg, CNBC, Business Insider, Reuters)-Thứ sáu, ngày 23/10/2020 16:54 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nhà kinh tế học cho rằng các chính sách của những vị Tổng thống thường không có dấu ấn nào lớn đối với nền kinh tế.

Nhưng đặc biệt đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhận định trên hoàn toàn không đúng. Chỉ cần nhìn vào ngành bất động sản và ngành sản xuất - cả 2 ngành này đều chứng kiến sự "bành trướng quy mô" ở tốc độ kỉ lục và cả những suy thoái nho nhỏ trong suốt hơn 3 năm qua; và tất cả đều mang đậm dấu ấn của ông Trump. Một vài số liệu sau đây sẽ làm sáng tỏ tác động của "hiệu ứng Trump" lên nền kinh tế Mỹ trong suốt hơn 3 năm qua.

Tăng trưởng GDP

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ tính từ năm 2002 tới năm 2020 (Nguồn: Cục phân tích Kinh tế Hoa Kỳ)

GDP là thước đo rõ ràng nhất để đánh giá sức khoẻ của nền kinh tế. Theo bảng số liệu từ Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ, GDP của nước này có xu hướng tăng trưởng liên tục từ thời cựu tổng thống Bush cho tới cựu tổng thống Obama và nhiệm kỳ của ông Trump cũng chứng kiến đà đi lên mạnh mẽ. 

Tổng thống Trump cam kết sẽ đưa nền kinh tế tăng trưởng 4-6%, nhưng con số thực tế qua từng năm là 2,3% (2017), 3,0% (2018) và 2,2% (2019). Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 bùng nổ vào đầu năm nay đã khiến đà đi lên này bị "đứt gãy", khiến thành tựu kinh tế tính theo GDP của ông Trump bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ thất nghiệp

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 2.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ năm 2002 tới năm 2020 (Nguồn: Cục số liệu Lao động Hoa Kỳ)

Lại một lần nữa, COVID-19 khiến tỷ lệ người thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt kể từ đầu năm nay. Trước đó, dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump, tỷ lệ người phải đi tìm việc làm tại Mỹ có xu hướng giảm so với người tiền nhiệm - Tổng thống Obama. 

Đây cũng là một trong những điểm tự hào của ông Trump khi cổ động cho chính sách "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" và mang công ăn việc làm cho người Mỹ. Năm 2018 là năm đặc biệt tươi sáng với thị trường lao động Mỹ, khi mỗi tháng có thêm 193 nghìn công ăn việc làm mới. Nhưng một thập kỷ tăng trưởng việc làm đã hoá thành con số 0 chỉ trong vài tháng bùng phát dịch bệnh COVID-19. Cho tới tháng 9 vừa rồi, nước Mỹ mới lấy lại gần một nửa số công việc bị mất do dịch bệnh.

Tỷ lệ người nghèo

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 3.

Theo số liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, tỷ lệ người nghèo dưới thời ông Trump cũng giảm so với nhiệm kỳ của ông Obama. Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 lên mảng số liệu này sẽ chỉ được cập nhật vào năm 2021.

Thị trường chứng khoán bùng nổ

Nhìn vào biểu đồ dưới đây của chỉ số chứng khoán S&P 500, với cột mốc chính giữa là ngày ông Trump trúng cử Tổng thống năm 2016, có thể thấy trong 807 ngày giao dịch trước kỳ bầu cử, chỉ số này chỉ tăng 31%; nhưng 807 ngày sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, chỉ số này tăng 56%. Tuy nhiên, theo tờ Quartz nhận định, thì dù tăng điểm kỉ lục dưới nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ đã phải trải qua rất nhiều biến động lớn.

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 4.

Đà tăng của chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ từ năm 2013 tới năm 2020

Dẫu vậy, chứng khoán Hoa Kỳ là một trong những điểm ưa thích của ông Trump khi nói về thành tựu kinh tế của mình. Ngay cả khi đại dịch bùng phát khiến các chỉ số sụt giảm 30%, thì ngay trong mùa hè này thị trường đã phục hồi. S&P 500 gần đây thậm chí vượt qua các kỉ lục trước đại dịch nhờ vào màn trình diễn ngoạn mục của các cổ phiếu công nghệ như Apple, Facebook, Amazon, Netflix, Microsoft và Google.

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 5.

Ông Trump "khởi động" nhiệm kỳ của mình với một chính sách kinh tế mang tính "bành trướng" táo bạo, đó là Đạo luật cắt giảm thuế và Đạo luật về việc làm của năm 2017. Hai đạo luật này có những tác động kép: Khiến cho các doanh nghiệp có thêm động lực để tăng cường đầu tư, và đổ nhiều tiền hơn vào túi người tiêu dùng - qua đó bơm thêm sức sống cho nền kinh tế. Tất nhiên vào thời điểm đó, đạo luật này vấp phải một trở ngại, đó là những khoản cắt giảm ngân sách liên bang. Nhưng Tổng thống Trump đã hoàn toàn lờ đi khoản thâm hụt này và đồng ý tăng cường chi tiêu quốc phòng và nội địa. Đây là một bước đi táo bạo của ông Trump. Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm đã giới hạn các khoản khấu trừ đối với lãi suất thế chấp nhà và thuế của tiểu bang và địa phương.

Lợi nhuận của doanh nghiệp

Mặc dầu vậy, lợi nhuận doanh nghiệp dưới thời ông Trump không tăng cao mà chỉ dừng ở mức tương đối ổn định cho tới khi dịch bệnh bùng phát. Hai quý đầu năm 2020 thậm chứng kiến lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ giảm mạnh, một đặc điểm của thời kỳ suy thoái.

Ngành công nghiệp

Cuối nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Obama, một cuộc suy thoái nhỏ đã xảy ra trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tầng lớp công nhân. Tổng thống Trump đã cam kết sẽ hồi sinh các nhà máy tại Mỹ. 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump, các công ăn việc làm trong ngành sản xuất cũng như sản lượng đã tăng vọt. Vào năm 2018, công việc sản xuất đã tăng ở mức nhanh nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ. Đến năm 2019, đà tăng này bị chững lại, và sau đó đại dịch ập tới. Các chỉ số mới đây cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là khi doanh số bán ô tô và bán nhà đã tăng trở lại. Nhưng công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hụt hơn 700 nghìn công việc so với mức trước đại dịch.

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 6.

Chiến tranh thương mại

Trong kinh tế đối ngoại, ông Trump cũng đã đảo ngược chính sách lâu đời của Hoa Kỳ, khi quay sang ủng hộ thương mại tự do. Kết quả của chính sách này là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và căng thẳng trong quan hệ thương mại với nhiều đối tác quan trọng khác. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu, và ngành sản xuất của khu vực Trung Tây nước Mỹ.

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 7.

Năm 2018 chứng kiến 3 vòng áp thuế từ phía chính phủ Mỹ. Hai đợt đầu nhắm vào tất cả các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu tấm pin mặt trời và máy giặt, sau đó là thép và nhôm. Vòng áp thuế thứ ba và lớn nhất nhắm vào đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: Trung Quốc.

Trong suốt 18 tháng, chính quyền ông Trump đã áp dụng các khoản thuế trừng phạt lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá tới 370 tỷ USD. Trung Quốc đáp trả bằng đòn thuế quan lên 100 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu của Mỹ.

Hầu hết các nhà kinh tế Mỹ đều ít chú ý đến thâm hụt thương mại trước khi ông Trump tranh cử. Nước Mỹ đã mua nhiều hàng hóa từ nước ngoài hơn là bán ra qua trong nhiều năm, phần lớn là do người tiêu dùng Mỹ thích mua sắm. Các nhà kinh tế không lo lắng về điều này vì hầu như các đối tác nước ngoài rồi sẽ quay lại và đầu tư ngược lại vào Hoa Kỳ, theo cách này hay cách khác.  Nhưng Tổng thống Trump rất quyết liệt trong vấn đề giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác, vì ông cho rằng thâm hụt thương mại là một dấu hiệu của sự yếu kém. Ông Trump cam kết các thoả thuận thương mại của mình sẽ xoá bỏ khoảng cách này. Nhưng có vẻ như mọi việc không diễn ra như mong đợi. Năm 2018, thâm hụt thương mại tổng thể thậm chí leo lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ.

"Hiệu ứng kinh tế Trump" trong cuộc tranh cử

Tất cả những con số trên nói lên nhiều điều về những gì ông Trump đã đạt được cũng như chưa thực hiện được cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng ngoài các con số, còn một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng dùng để đánh giá sức khoẻ nền kinh tế, đó là tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Sau khi ông Trump đắc cử năm 2017, người dân Mỹ bắt đầu cảm thấy tự tin hơn rất nhiều vào nền kinh tế, theo một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew. 

Sự tự tin này đặc biệt rõ nét ở những người Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hoà. Đến tận tháng 1 năm nay, trước khi cơn sóng thần COVID-19 càn quét nền kinh tế Mỹ, một cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy khoảng 44% người được hỏi cảm thấy rằng nền kinh tế Mỹ đang ở độ rực rỡ nhất, hơn bất kì thời điểm nào trong suốt 20 năm qua. Sự tự tin này có một phần lý do không nhỏ nằm ở tỷ lệ thất nghiệp thấp kỉ lục như đã nói ở trên. Công ăn việc làm được tạo ra nhiều đã góp phần thu nhỏ khoảng cách xã hội - giàu nghèo giữa người da trắng và người da màu hay gốc Latin. Thu nhập bình quân hộ gia đình (đã điều chỉnh cho lạm phát) vượt mức 68 nghìn USD trong năm 2019, tăng 6.8% so với năm trước đó. Còn tỷ lệ người nghèo cũng ở mức thấp nhất trong vòng 60 năm.

Hiệu ứng Trump tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 8.

Với ông Trump, Chính sách thương mại đặt nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu, tiếp tục cắt giảm thuế, và giảm bớt các luật lệ...

Ngay cả khi COVID-19 tàn phá kinh tế Mỹ, lòng tin của cử tri đối với ông Trump vẫn khá kiên định. Một cuộc khảo sát của đại học Michigan cho thấy, 38% cử tri được hỏi cho rằng ông Trump tiếp tục nhiệm kỳ thì sẽ tốt hơn cho kinh tế Mỹ, 33% nghiêng về phía ông Biden, và 28% cảm thấy không có sự khác biệt nào cả. Tổng thống Trump vẫn đang sử dụng công thức cũ cho nền kinh tế để đưa nước Mỹ vượt bão COVID-19: Chính sách thương mại đặt nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu, tiếp tục cắt giảm thuế, và giảm bớt các luật lệ. .

Trong khi đó, ông Biden muốn thiết lập lại mức thuế cao trước đó áp lên các doanh nghiệp và nhóm người giàu có, và nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế với năng lượng sạch. COVID-19, dù xảy ra dưới bất kì thời Tổng thống nào, cũng sẽ là một bài toán khó giải. Và dịch bệnh cũng chính là biến số khó lường trong cuộc tranh cử lần này, sau khi nó gần như đã quét sạch nhiều thành tựu kinh tế đạt được dưới thời Tổng thống Donald Trump.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước