Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 được tổ chức nhằm tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng đang nổi lên do các cuộc xung đột.
Trọng tâm được thảo luận trong ngày đầu tiên của hội nghị là tình hình an ninh lương thực với tác động của các cuộc xung đột cũng như biến đổi khí hậu, giá lương thực ngày càng tăng cao, nguy cơ thiếu lương thực ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Nomura Tetsuro, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, phát biểu: "Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với một lịch sử bước ngoặt cho chính sách nông nghiệp, đây thời điểm cần thiết phải đưa ra các biện pháp phù hợp với thời đại mới".
Ông Nomura Tetsuro phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 tại thành phố Miyazaki, ngày 22/4. (Ảnh: Kyodo)
Với vai trò là nước chủ nhà, Nhật Bản đã kêu gọi các thành viên khác trong nhóm G7 tham dự vào các dự án của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuât lương thực quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển.
Đây là các nước vốn chịu tác động nặng nề nhất trong nguy cơ khủng hoảng lương thực. Theo thống kê, có 349 triệu người tại 79 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều nước được xác định là điểm nóng về nạn đói nằm ở châu Phi.
Dự kiến, các Bộ trưởng G7 sẽ thông qua một tuyên bố chung về an ninh lương thực khi hội nghị kết thúc vào ngày 23/4.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!