Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu

Huệ Anh-Chủ nhật, ngày 14/11/2021 09:49 GMT+7

VTV.vn - Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, hiệp ước dù chưa thực sự "hoàn hảo" song vẫn cho thấy "sự đồng thuận và ủng hộ" của nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), sau khi phải kéo dài thêm một ngày, vừa bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).

Tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, hiệp ước lần này bao gồm một nội dung quan trọng, đó là kêu gọi các quốc gia "giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận sự cấp thiết trong việc cùng hỗ trợ, hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng.

Hiệp ước yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030 để hiện thực hoá mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 cũng như một số khí nhà kính khác.

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 1.

Hiệp ước yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030 (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, hiệp ước cũng nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc huy động nguồn tài trợ khí hậu, bao gồm việc tăng viện trợ đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển và thúc giục các quốc gia phát triển nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD như đã cam kết. "Tổn thất và thiệt hại" từ biến đối khí hậu được đề cập rất nhiều trong COP26 và trở thành cơ sở thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 phải tăng ít nhất gấp đôi mức tài trợ so với mức năm 2019.

Hội nghị COP26 được coi là cơ hội cuối cùng tốt nhất của nhân loại nhằm kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Với sự tham gia của hơn 120 lãnh đạo trên toàn cầu, người ta kỳ vọng COP26 năm nay có thể tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới, qua đó làm chậm quá trình Trái đất ấm lên và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế.

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 2.

Hội nghị COP26 được coi là cơ hội cuối cùng tốt nhất của nhân loại nhằm kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo công bố ngày 8/11, 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100, nếu mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 2,9 độ C. Ngay cả khi mức tăng nhiệt hạn chế ở mức 1,5 độ C theo như Hiệp định Paris, tăng trưởng GDP của các quốc gia này vẫn giảm 12% vào năm 2050.

Số liệu trên cho thấy tầm quan trọng trong vai trò của Hội nghị COP26, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo với nhiều quốc gia trong việc xây dựng năng lực ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu vốn đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Thoả thuận chung về biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc

Điểm nổi bật trong Hội nghị COP26 phải kể đến thoả thuận chung về biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới.

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 3.

Điểm nổi bật trong Hội nghị COP26 là thoả thuận chung về biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Thỏa thuận mang tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", được công bố bởi ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đặc phái viên về khí hậu Trung Quốc Giải Chấn Hoa.

Sau khi "thừa nhận mức độ nghiêm trọng và cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu", 2 nước cam kết cùng làm việc nhằm khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đã đề ra trong Hiệp định Paris, đồng thời nỗ lực thu hẹp khoảng cách đáng kể đang tồn tại để đạt mục tiêu này. Hai bên cũng nhất trí giải quyết các vấn đề về phát thải khí mêtan, hợp tác với nhau trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như "thiết kế xanh và sử dụng tài nguyên tái tạo".

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 4.

Hội nghị COP26 được kỳ vọng có thể tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới (Nguồn: Reuters)

Với tuyên bố chung, Mỹ và Trung Quốc được cho là đã cùng đạt một bước tiến mới, dù vẫn tồn tại sự khác biệt và cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực. Ông Giải Chấn Hoa nhấn mạnh: "Việc đạt được thỏa thuận chung một lần nữa cho thấy sự hợp tác là lựa chọn duy nhất của cả Mỹ và Trung Quốc. Bằng sự hợp tác, hai bên có thể đạt được những mục tiêu quan trọng, không chỉ đối với riêng mỗi nước mà còn với cả thế giới". Ông Nick Mabey, Giám đốc điều hành tổ chức E3G, chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu cũng nhận định, Mỹ và Trung Quốc đang gửi đi những "tín hiệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng".

Lần đầu tiên đề cập một cách rõ ràng về nhiên liệu hóa thạch

Ngày 12/11, dự thảo tuyên bố chung, được đăng trên trang web chính thức của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đã kêu gọi các nước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đẩy nhanh tiến trình loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá "không trang bị công nghệ thu giữ khí thải carbon" và các hoạt động trợ cấp chính phủ "không hiệu quả". So với các dự thảo trước, tuyên bố mới đã bổ sung những cụm từ nhằm cụ thể hóa các loại hình nhà máy nhiệt điện và các loại hình trợ cấp chính phủ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch cần loại bỏ.

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 5.

Hội nghị COP26 lần đầu tiên đề cập một cách rõ ràng về nhiên liệu hóa thạch (Nguồn: Reuters)

Đây được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên, bởi nhiên liệu hoá thạch hiếm khi được nhắc đến cụ thể trong các tuyên bố chung trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, kể từ hội nghị khí hậu đầu tiên được Liên hợp quốc tổ chức.

Theo Alden Meyer, một chuyên gia cấp cao tại E3G, việc các quốc gia phải trả hàng trăm tỷ USD tiền thuế mỗi năm để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là vô lý. Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Antonio Guterres cũng nhận định, nếu thiếu đi các cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, kế hoạch về khí hậu mà các nước đưa ra sẽ không thể thực hiện.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiên liệu hoá thạch được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu, các quốc gia đang phát triển vẫn cho rằng sẽ là không công bằng nếu họ phải cắt giảm khí thải và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cùng tốc độ với các nước giàu vốn đã qua thời kỳ phát thải nhiều.

Vẫn còn lo ngại trong vấn đề viện trợ

Mới đây nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các nước giàu tăng tài trợ khí hậu để đảm bảo đạt bước đột phá tại Hội nghị COP26. Ông nhấn mạnh, đây là điều cần thiết trước khi hội nghị kết thúc, bởi "chúng ta không thể giải quyết hết mọi việc tại COP26, nhưng chúng ta có thể bắt đầu". Emily Bohobo N'Dombaxe Dola, điều phối viên của Nhóm công tác của khối thanh niên chính thức tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng nhấn mạnh: "Bây giờ là lúc các chính phủ và các nhà tài trợ nâng mức tài chính công bằng".

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 6.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nước giàu tăng tài trợ khí hậu để đảm bảo đạt bước đột phá tại Hội nghị COP26 (Nguồn: Reuters)

Mục tiêu lớn được COP26 đặt ra là huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Song theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, các cam kết tài chính khí hậu của nhóm nước phát triển hiện nay chỉ là dưới 80 tỷ USD/năm.

Do chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các nước phát triển tin rằng, phải đến năm 2023 mới có thể huy động đủ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo hơn - muộn hơn 3 năm so với cam kết ban đầu. Các quốc gia này cũng được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi thường cho các nước kém phát triển về những tổn thất và thiệt hại do phát thải trong quá khứ - lĩnh vực chưa có cam kết cụ thể nào được đưa ra.

Trong khi các nước đang phát triển muốn nhận được nhiều tiền hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước giàu có lại chủ trương khuyến khích tài chính hướng tới việc cắt giảm khí phát thải. Bế tắc này cũng chính là nguyên nhân khiến Hội nghị COP26 phải kéo dài sang ngày 13/11 - thêm một ngày so với dự kiến ban đầu.

Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu - Ảnh 7.

Chủ tịch COP26 ông Alok Sharma (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các quốc gia cũng khiến nhiều người lo ngại rằng, dự thảo tuyên bố chung của COP26 khó có thể đưa ra đủ những giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. "Mức tài trợ cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vẫn còn thấp. Khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng, nhu cầu được hỗ trợ của những nước này sẽ tăng theo" - Hansjoerg Strohmeyer, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết.

Đối với một số nhà tổ chức, Hội nghị COP26 năm nay đã dành một phần quan trọng chưa từng có để nói về những "thiệt hại và mất mát" từ biến đổi khí hậu, nhưng nội dung thỏa thuận vẫn còn quá ít so với những gì họ kỳ vọng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch COP26 ông Alok Sharma, hiệp ước, dù chưa thực sự "hoàn hảo", song vẫn cho thấy "sự đồng thuận và ủng hộ" của nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Đây vẫn được coi là chiến thắng lớn sau khi than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất được đề cập lần đầu tiên trong một thoả thuận của Liên hợp quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước