Bốn vấn đề lớn bao gồm: Các bất đồng chính trong thương mại song phương, các khiếu nại của châu Âu về chủ nghĩa dân tộc vaccine của Mỹ, các đề xuất mới của EU về quản lý trí tuệ nhân tạo, kiểm soát nội dung trực tuyến và quản lý các công ty công nghệ vốn hóa lớn, các sáng kiến chung về khí hậu trước Hội nghị thượng đỉnh COP26 dự kiến tổ chức tại Scotland vào tháng 11.
Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu phát biểu: "Nước Mỹ đã trở lại với toàn cầu, đó là một tin tuyệt vời cho các đồng minh chúng ta và cho thế giới. Chúng tôi thực sự vui mừng được làm việc với nước Mỹ để cùng nhau giải quyết thách thức toàn cầu".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp lời: "Chúng tôi đang có cơ hội tuyệt vời để làm việc với EU cũng như NATO. Nước Mỹ đã trở lại".
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: "Quả thực 4 năm qua không hề dễ dàng, thế giới đã thay đổi đáng kể, châu Âu cũng thay đổi. Nhưng chúng tôi muốn trấn an Mỹ rằng chúng ta là bạn, là đồng minh và rất muốn được hợp tác cùng nhau".
Truyền thông mô tả, chuyến công du lần này của ông Biden là "8 ngày đưa Mỹ trở lại châu Âu". Từ Hội nghị G7, Hội nghị NATO và hôm nay Hội nghị thượng đỉnh với EU. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO trước đó, Tổng thống Mỹ đã có quan điểm thay đổi so với người tiền nhiệm, nhấn mạnh sự coi trọng NATO với hợp tác đa phương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Mỹ đang có cơ hội tuyệt vời để làm việc với EU cũng như NATO.
Mỹ - EU hướng đến việc hàn gắn bất đồng
Việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ được chào đón bằng những tiếng thở phào nhẹ nhõm trên khắp châu Âu, hứa hẹn về một quan hệ mới. Trong 100 ngày đầu nhậm chức, giọng điệu của Mỹ với EU thay đổi hoàn toàn. Còn EU thì cũng chủ động ban hành Chương trình nghị sự mới trong quan hệ với Mỹ.
Các tuyên bố của Mỹ và EU đều hướng đến việc hàn gắn những bất đồng quan hệ, đặc biệt là các tranh chấp thương mại, làm cơ sở để hai bên lấy lại vị thế lãnh đạo, dẫn dắt toàn cầu, duy trì trật tự thế giới dựa trên Luật pháp quốc tế, cùng đối phó với các thách thức an ninh chung đến từ Nga, Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề biến đổi khí hậu… và khẩn cấp nhất là sớm kiểm soát, chấm dứt đại dịch.
Những trở ngại nào còn tồn tại trong mối quan hệ Mỹ - EU?
Rào cản quan hệ EU - Mỹ ẩn chứa trong từng kỳ vọng hợp tác của hai bên, nhìn sâu xa vẫn là EU hay Mỹ có lợi ích kinh tế hơn.
Cả Mỹ và EU đều đang tìm kiếm một khởi đầu mới tích cực
Hiện tại, EU vẫn hoài nghi về các cam kết của Mỹ, ví như: Dù cam kết hỗ trợ các nước nghèo hàng tỉ Euro thông qua COVAX, nhưng thực tế đến nay Mỹ sản xuất được 320 triệu liều vaccine song hầu như chưa xuất khẩu lô hàng nào. Mỹ ưu tiên dỡ bỏ bằng sáng chế song kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vaccine, trong khi các nước châu Âu lại muốn giữ bằng sáng chế và xuất khẩu vaccine giá rẻ.
Trong quan hệ với Trung Quốc và Nga, Mỹ chỉ trích các nước EU, nhất là Đức, ưu tiên hợp tác với Nga và Trung Quốc trong một số lĩnh vực, song thực tế chính Mỹ cũng muốn giành phần lợi ích kinh tế trong hợp tác với Trung Quốc hay Nga.
Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, EU và Mỹ chưa thống nhất được cơ chế đánh thuế khí phát thải. Ngoài ra, nhiều tập đoàn của EU đang chịu tác động liên đới từ các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ với Iran.
"Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Và chúng ta không nhìn lại phía sau, chúng ta đang cùng nhau hướng về phía trước". Ông Joe Biden đã tuyên bố như vậy, gửi đi thông điệp tích cực về hợp tác, xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Phải cần thời gian để biết chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với EU cụ thể như thế nào. Nhưng lúc này, cả Mỹ và EU đều đang tìm kiếm một khởi đầu mới tích cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!