Sau nhiều tuần không khí trên bán đảo Triều Tiên hoà dịu một cách bất ngờ, Seoul và Washington quyết định vẫn tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Thần Sấm. Đổi lại là phản ứng mạnh từ Bình Nhưỡng: Huỷ bỏ cuộc gặp quan chức cấp cao Hàn-Triều và đe doạ xem xét lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Sau nhiều tuần không khí trên bán đảo Triều Tiên hoà dịu một cách bất ngờ, Seoul và Washington quyết định vẫn tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Thần Sấm (Ảnh: Reuters)
Theo Gulf News, các cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Washington và Seoul từ lâu đã là nguồn cơn tranh cãi giữa 2 miền Triều Tiên. Nhưng cuộc tập trận Thần Sấm thì lại đặc biệt nhạy cảm, nhìn từ góc độ của Bình Nhưỡng. Bởi cuộc tập trận này được cho là có sự tham gia của máy bay ném bom B-52 có khả năng mang bom hạt nhân và máy bay chiến đấu tàng hình F22. Triều Tiên lo ngại việc 2 máy bay này có thể được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu hoặc tấn công vào một địa điểm chính xác nào đó của Bình Nhưỡng.
Phân tích về vấn đề này, Global Times có bài viết với tiêu đề: Triển vọng không ổn định của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cho thấy sự mong manh của tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.
Bài báo viết cho biết mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, tạo ra một lỗ hổng sâu về lòng tin. Khi mà 2 nước đứng trước một cơ hội lịch sử để xoá bỏ những khác biệt, bất kì hành động khiêu khích nào cũng có thể tác động nghiêm trọng đến chiều hướng cải thiện quan hệ. Global Times cho rằng động thái của Triều Tiên đã cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc cần hành động thận trọng hơn khi mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang tiến đến rất gần.
Đi sâu vào vấn đề, tờ DNA Delhi nhận định, động thái mới của Triều Tiên có thể chỉ là phản ứng tức thời, bởi nếu không tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều như dự kiến, Bình Nhưỡng cũng sẽ mất đi nhiều thứ. Có lẽ, Triều Tiên đang làm phép thử để biết lập trường của Mỹ đối với vấn đề "phi hạt nhân hoá hoàn toàn" có bớt cứng rắn hơn không, hoặc thử xem Mỹ có đưa ra nhượng bộ gì để hội nghị vẫn diễn ra theo dự kiến hay không.
Tác giả bài báo kết luận, dù sao thì "quả bóng" đang nằm ở phần sân của ông Donald Trump, chúng ta phải chờ xem ông Trump sẽ chơi như thế nào?
Dư luận đang rất chờ đợi những phản ứng tiếp theo từ Tổng thống Trump
Báo Bưu điện Washington có một dự đoán khá khả quan về ý định của chính quyền Mỹ. Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố nếu đàm phán không hiệu quả, ông sẽ rời bàn đàm phán mà không có thoả thuận nào.
Nhưng ý kiến của các nhà phân tích chính sách ngoại giao cho rằng: Các tuyên bố khá mâu thuẫn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là một dấu hiệu cho thấy, chính quyền Mỹ có thể đưa ra một thoả thuận hẹp hơn so với yêu cầu phi hạt nhân hoá hoàn toàn. Ví dụ như yêu cầu Bình Nhưỡng loại bỏ tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công nước Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!