Theo Liên Hợp Quốc, 6,5 triệu người đã phải sơ tán trong lãnh thổ Ukraine và hơn 3,5 triệu người khác phải lánh nạn sang các nước láng giềng. Số người dân Ukraine sơ tán này chiếm hơn 1/4 dân số Ukraine.
Đáng chú ý, trong số gần 7 triệu người phải sơ tán trong nước, 1/3 có vấn đề y tế mãn tính. Theo WHO, khoảng một nửa số cửa hàng thuốc ở Ukraine có thể đã phải đóng cửa.
Xung đột cũng ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và các chương trình tiêm chủng khác ở Ukraine.
Hầu hết những người sơ tán là phụ nữ và trẻ em do nam giới từ 18 đến 60 tuổi đủ điều kiện được gọi nhập ngũ và không được xuất cảnh. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, những người sơ tán phải đối mặt với vô số nguy cơ như nạn buôn người và bóc lột. Tình trạng này đã xảy ra và đang gia tăng.
Người dân Ukraine sơ tán đến cửa khẩu Medyka, ở Medyka, Ba Lan, ngày 26/2/2022. (Ảnh: AP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/3 nhận định, cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát do tình trạng xung đột kéo dài một tháng qua ở Ukraine đến nay mới chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi".
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Michael Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, khẳng định, cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine trong những tuần tới, bởi ông chưa từng ghi nhận nhu cầu nhân đạo phức tạp trong cuộc khủng hoảng phát triển nhanh chóng đến vậy.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các bên ngừng tấn công vào các cơ sở chăm sóc y tế.
Đến nay, WHO mới chỉ nhận được 9,6 triệu USD trong số 57,5 triệu USD cần thiết cho hoạt động nhân đạo trong 3 tháng tới ở Ukraine.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này quan ngại về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân và hóa chất ở Ukraine, hối thúc các bên liên quan giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra sự cố thảm họa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!