Số bệnh nhân khỏi bệnh là gần 320.000 trường hợp và hiện còn hơn 1 triệu người đang phải điều trị.
Thành phố New York, Mỹ ghi nhận tới 779 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tính đến 8h30 ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 434.062 ca nhiễm, trong đó 14.774 người tử vong, 9.279 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Còn tại châu Âu, số ca tử vong vì COVID-19 đã vượt mốc 60.000 người và chiếm tới hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Italy và Tây Ban Nha tiếp tục là những nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với tổng cộng hơn 32.000 trường hợp.
Bộ Y tế Anh cho biết, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 7.000 sau khi có gần 1.000 người tử vong được ghi nhận trong ngày 8/4, cao nhất từ khi dịch bùng phát tại Anh. Liên quan đến tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ngày 8/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo, tình hình sức khỏe của Thủ tướng "đang cải thiện" nhưng ông vẫn cần được chăm sóc tích cực.
Các hạn chế xã hội quy mô lớn sẽ áp đặt tại thủ đô Jakarta của Indonesia bắt đầu từ ngày 10/4. Cụ thể, thành phố Jakarta sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm hạn chế người dân đi lại sau khi được Chính phủ Indonesia cho phép. Động thái trên được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19. Với sự cho phép của Chính phủ, các biện pháp này trở thành ràng buộc về mặt pháp lý đối với mọi người dân. Ngoài ra, chính quyền Jakarta sẽ có các biện pháp hỗ trợ đối với những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!