Cảnh báo của UNHCR được đưa ra khi cuộc xung đột ở Sudan sắp tròn 1 năm vào ngày 15/4.
UNHCR cho biết Sudan và các nước láng giềng đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo và tản cư lớn nhất và thách thức nhất trên thế giới. Hàng nghìn người tị nạn tiếp tục vượt biên giới hàng ngày để chạy trốn chiến tranh, hầu hết đến Nam Sudan.
Người phát ngôn của UNHCR - bà Olga Sarrado - thông tin số người phải di cư "hiện đã vượt quá 8,5 triệu, trong đó có 1,8 triệu người vượt biên".
635.000 người phải di dời đã trốn sang Nam Sudan, chiếm hơn 5% dân số nước này.
Bà Marie-Hélène Verney - đại diện của UNHCR tại Nam Sudan - chia sẻ: "Để so sánh, Đức sẽ có 4,5 triệu người di cư đến trong gần một năm, còn tại Mỹ con số này sẽ là 17,6 triệu người".
Những người tị nạn đang rất cần thực phẩm, nước uống, chỗ ở và chăm sóc y tế, trong đó nhiều gia đình đã ly tán hoặc gặp nạn.
"Đây là quốc gia nghèo nhất thế giới" - bà Verney phát biểu từ thủ đô Juba của Nam Sudan - "Bạn có thể tưởng tượng áp lực đã đè nặng lên đất nước này kể từ ngày 15/4/2023. Lượng người tị nạn trung bình đến Nam Sudan kể từ ngày 15/4/2023 là 1.800 người mỗi ngày".
Với việc Nam Sudan và Sudan vẫn liên kết chặt chẽ với nhau, ngày càng có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ và tình trạng bất ổn có thể trở nên tồi tệ hơn ở Nam Sudan sau khi một trong những đường ống dẫn dầu quan trọng đi qua Sudan bị hư hỏng và buộc phải dừng hoạt động.
Vụ việc xảy ra vào tháng 2 tại bang White Nile của Sudan, khu vực do Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự kiểm soát - lực lượng đang chiến đấu với quân đội Sudan để giành quyền kiểm soát ở nước này.
Dầu mỏ chiếm khoảng 95% doanh thu được công bố của Nam Sudan.
"Kể từ tháng 3, đường ống dẫn dầu đó đã bị đóng cửa vì Sudan không còn khả năng duy trì đường ống do xung đột. Điều này đã có tác động lớn đến nền kinh tế của Nam Sudan trong bối cảnh lạm phát cực kỳ nhanh chóng của đồng Bảng Nam Sudan và nói chung là thiếu doanh thu vào nước này", bà Marie-Hélène Verney giải thích.
Bất chấp cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Sudan, UNHCR cho biết nguồn tài trợ "vẫn cực kỳ thấp". Chỉ có 7% các yêu cầu nêu trong Kế hoạch ứng phó với người tị nạn khu vực năm 2024 ở Sudan được đáp ứng. Tương tự, Kế hoạch ứng phó nhân đạo ở Sudan chỉ được tài trợ 6%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!