Người tị nạn Sudan lấy nước từ vòi tại trại tị nạn Gorom ở Nam Sudan, ngày 20/6. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, theo số liệu hàng tuần mới nhất do IOM công bố, số lượng người phải sơ tán ở Sudan ước tính lên tới con số 3.433.025.
Giao tranh tại Sudan giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã tàn phá thủ đô Khartoum và châm ngòi cho các cuộc tấn công ở Darfur, đe dọa đẩy Sudan vào một cuộc nội chiến kéo dài và gây bất ổn cho khu vực.
Trong một tuyên bố chung, các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết: "Không còn nhiều thời gian để nông dân trồng các loại cây sẽ nuôi sống họ và những người xung quanh. Nguồn cung cấp y tế đang khan hiếm. Tình hình (tại Sudan) đang vượt khỏi tầm kiểm soát".
Nội chiến ở Sudan nổ ra vào ngày 15/4 do căng thẳng liên quan đến kế hoạch chuyển đổi sang chế độ dân sự, khiến người dân ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác phải hứng chịu nhiều trận chiến và tấn công hàng ngày.
Hàng triệu người ở lại Khartoum và các thành phố ở vùng Darfur và Kordofan đã phải đối mặt với tình trạng cướp bóc tràn lan và bị cắt điện, kết nối liên lạc và nước trong thời gian dài.
3.433.025 người đã đi tản cư ở Sudan. (Ảnh: OCHA)
Elizabeth Throssell, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cho biết: "Thi thể của nhiều người thiệt mạng chưa được thu thập, xác định danh tính hoặc chôn cất". Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến này.
Báo cáo về các vụ tấn công tình dục đã tăng 50%, Laila Baker, quan chức Quỹ dân số của Liên hợp quốc cho biết. Theo một tuyên bố từ Cơ quan Điện lực quốc gia Sudan, nhiều khu vực rộng lớn của nước này đã bị mất điện, điều này cũng khiến các mạng di động ngoại tuyến.
Liên hợp quốc ước tính, những cơn mưa trái mùa đã phá hủy hoặc làm hư hại nhà cửa của 13.500 người ở Sudan.
Trong một bài phát biểu hôm 14/8, chỉ huy quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cáo buộc, RSF nhắm mục tiêu "đưa đất nước trở lại thời kỳ trước khi có nhà nước hiện đại" và "phạm vào mọi tội ác có thể tưởng tượng được".
Trong khi đó, RSF cáo buộc, lực lượng quân đội Sudan cố gắng giành toàn bộ quyền lực dưới sự chỉ đạo của những người trung thành với Omar al-Bashir, nhà lãnh đạo chuyên quyền đã bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của người dân vào năm 2019.
Những nỗ lực do Saudi Arabia và Mỹ dẫn đầu nhằm đàm phán ngừng bắn trong cuộc xung đột ở Sudan đã bị đình trệ. Và các cơ quan nhân đạo quốc tế đã phải vật lộn để cung cấp cứu trợ vì tình trạng mất an ninh, cướp bóc và những rào cản quan liêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!