Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) được công bố vào ngày 23/3, Yemen, Nam Sudan và miền Bắc Nigeria đứng đầu danh sách mất an ninh lương thực cấp tính nói trên. Các quốc gia này phải đối mặt với mức độ thảm khốc của nạn đói nghiêm trọng, với các gia đình ở Nam Sudan và Yemen đang ở trong tình trạng thiếu lương thực hoặc có nguy cơ bị chết đói.
Mặc dù phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng là ở châu Phi, nạn đói cấp tính gia tăng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới, từ Afghanistan ở châu Á, Syria và Lebanon ở Trung Đông đến Haiti ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe.
Hơn 34 triệu người trên khắp thế giới đang phải vật lộn với mức độ khẩn cấp của nạn đói cấp tính và đứng trước nguy cơ bị chết đói.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết: "Chúng ta phải chứng kiến thảm họa đói đang diễn ra trước mắt. Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch COVID-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình. Chúng tôi đề nghị khẩn cấp ba vấn đề để ngăn chặn tình trạng hàng triệu người chết vì đói: chiến sự phải dừng lại, chúng tôi phải được phép tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và trên hết, chúng tôi cần hỗ trợ 5,5 tỷ USD cho nhu cầu trong năm nay".
Xung đột, chiến tranh, đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến dự báo về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 20 điểm nóng về nạn đói trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2021.
Hơn 34 triệu người trên khắp thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đói. (Ảnh: WFP)
Xung đột hoặc các hình thức bạo lực khác có thể kéo dài hoặc có khả năng gia tăng ở các vùng của Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Trung Sahel, Ethiopia, Bắc Nigeria, Bắc Mozambique, Somalia, Nam Sudan và Sudan.
Dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, khiến những nước này rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Mỹ Latin là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng suy giảm kinh tế và sẽ phục hồi chậm nhất. Khu vực Trung Đông, Yemen, Syria và Lebanon bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đồng tiền bị mất giá nhanh và lạm phát tăng vọt.
Khí hậu cực đoan, hiện tượng thời tiết La Niña có thể sẽ tiếp tục tác động trong tháng 4 và tháng 5, gây ra nạn đói ở một số nơi trên thế giới từ Afghanistan, Madagascar đến vùng Sừng châu Phi.
Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trên sa mạc ở Đông Phi và trên Bờ Biển Đỏ vẫn là mối quan ngại lớn. Tại một số vùng ở Nam Phi như Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe, dịch châu chấu di cư đe dọa tàn phá mùa màng.
Việc tiếp cận của các chương trình nhân đạo ngày càng bị hạn chế ở một số quốc gia nhằm giúp đỡ những người có nhu cầu đã và đang khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!