Giao tranh vẫn diễn ra bất chấp lệnh ngừng bắn, khiến nhiều thường dân ở Sudan phải sơ tán. Những cảnh báo mới về tình trạng bất ổn sâu rộng hơn nếu nội chiến không dừng lại đã được đưa ra.
Đến tối 29/4, người ta có thể nghe thấy âm thanh của cuộc đụng độ dữ dội gần trung tâm thành phố Khartoum, gần trụ sở quân đội và dinh tổng thống Sudan.
Trong một trong những nỗ lực mới nhất của các chính phủ quốc tế nhằm sơ tán công dân của họ và những người khác, một đoàn xe do chính phủ Mỹ tổ chức đã đến thành phố cảng Sudan thuộc Biển Đỏ vào ngày 29/4, sơ tán công dân Mỹ, nhân viên địa phương và những người khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết .
Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ những người sơ tán đi đến Jeddah, Saudi Arabia, ông Miller nói thêm. Ông không cho biết có bao nhiêu người Mỹ vẫn ở lại Sudan.
Một đặc phái viên của Liên hợp quốc trước đó đã đưa ra một tia hy vọng có thể chấm dứt giao tranh tại Sudan, nói rằng các bên tham chiến, cho đến nay không có dấu hiệu thỏa hiệp, giờ đã cởi mở hơn với các cuộc đàm phán ngừng bắn, mặc dù chưa ấn định ngày cụ thể.
Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương kể từ ngày 15/4, khi cuộc tranh giành quyền lực âm ỉ kéo dài giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra xung đột.
Cuộc giao tranh đã đẩy Sudan vào một cuộc nội chiến, làm chệch hướng quá trình chuyển đổi được quốc tế hậu thuẫn nhằm thành lập một chính phủ dân chủ và khiến hàng chục nghìn người phải chạy trốn sang các nước láng giềng.
Người dân tập trung lên xe tải sơ tán khỏi Khartoum, Sudan, ngày 28/4. (Ảnh: Reuters)
Trong một tuyên bố, quân đội cho biết họ đã tiến hành các chiến dịch càn quét và đụng độ với quân RSF ở phía Bắc Bahri và ở Omdurman, bên kia sông Nile từ Khartoum, đồng thời phá hủy 25 phương tiện của quân tiếp viện RSF. Một số ngân hàng và cửa hàng trên khắp thủ đô Sudan đã bị cướp phá.
Các bên vẫn tiếp tục giao tranh trong một loạt các lệnh ngừng bắn do các cường quốc nước ngoài làm trung gian, đặc biệt là Mỹ. Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất kéo dài 72 giờ sẽ hết hạn vào nửa đêm 30/4.
RSF cho biết trong một tuyên bố hôm 29/4 rằng họ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Sudan ở Omdurman và cáo buộc quân đội vi phạm lệnh ngừng bắn bằng một cuộc tấn công ở đó. Quân đội đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Reuters không thể xác minh độc lập báo cáo của RSF.
Trước đó, quân đội Sudan đã đổ lỗi cho RSF về việc vi phạm lệnh ngừng bắn.
Triển vọng đàm phán giữa quân đội và lực lượng bán quân sự RSF cho đến nay dường như rất ảm đạm.
Hôm 28/4, lãnh đạo quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết, ông sẽ không bao giờ ngồi lại với thủ lĩnh "nổi loạn" của RSF, tức Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, còn được gọi là Hemedti. Ngược lại, người đứng đầu RSF cho biết, ông sẽ chỉ nói chuyện sau khi quân đội ngừng chiến sự.
Tuy nhiên, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Sudan, Volker Perthes, nói với Reuters rằng gần đây ông đã cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của các bên. Họ cởi mở hơn với các cuộc đàm phán, đồng thời nói rằng họ sẽ chấp nhận "một số hình thức đàm phán".
Bộ Y tế Sudan cho biết, ít nhất 528 người đã thiệt mạng và 4.599 người bị thương do giao tranh. Liên hợp quốc đã báo cáo một số người tử vong tương tự, nhưng tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Hơn 75.000 người đã phải sơ tán trong cuộc nội chiến, Liên hợp quốc báo cáo.
Chính phủ các nước đã tổ chức một đợt sơ tán lớn cho công dân nước ngoài, một số bằng đường bộ và đường biển, và một số bằng đường hàng không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!