Hơn 61,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 13,2 triệu ca mắc và hơn 269.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm trên 78.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca nhiễm là trên 9,3 triệu trường hợp, bao gồm hơn 135.700 trường hợp thiệt mạng. Ngày 26/11, Ấn Độ đã ghi nhận trên 42.000 ca mắc mới.
Cùng ngày, Brazil báo cáo trên 37.300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên hơn 6,2 triệu người. Đến nay, trên 171.400 bệnh nhân COVID-19 tại Brazil đã không qua khỏi.
Hơn 6,2 triệu người mắc COVID-19 tại Brazil. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Pháp xác nhận, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho người dân từ cuối năm 2020. Chính phủ Pháp sẽ cố gắng minh bạch trong mọi quy trình triển khai cũng như báo cáo về hiệu quả vaccine. Nguyên nhân là do khảo sát đang cho thấy, người dân Pháp đặc biệt hoài nghi về khía cạnh an toàn của vaccine. Hiện nay, chỉ có 59% người dân phản hồi là sẽ tiêm.
Ước tính, để vaccine có hiệu quả, ít nhất 90% người dân Pháp phải được tiêm phòng. Các nhà khoa học cho rằng, nhận thức về vaccine của đa số người dân hiện chưa hoàn toàn chính xác, đặc biệt, rất nhiều người đang bị tác động bởi các thuyết âm mưu trên mạng. Đến nay, Pháp ghi nhận trên 2,183 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 50.900 người tử vong.
Với gần 2,188 triệu ca mắc, Nga trở lại là tâm dịch lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP)
Đặc biệt, Nga đã vượt Pháp về số người mắc COVID-19, quay trở lại là tâm dịch lớn thứ tư thế giới. Cụ thể, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga hiện là gần 2,188 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận trên 25.400 trường hợp mắc mới. Trên 38.000 người đã tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Đức vẫn ở mức cao, Thủ tướng Angela Merkel ngày 26/11 cho rằng, nhiều khả năng nước này phải sống chung với các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan đến tháng 1/2021. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức lại cho rằng, các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cần phải được kéo dài hơn nữa, có thể đến tháng 3/2021 vì nước này sắp phải trải qua một mùa đông đầy khó khăn. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt mốc 1 triệu người, bao gồm trên 15.700 trường hợp thiệt mạng.
Tại châu Á, ngày 26/11, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 583 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 32.300 trường hợp, trong đó có 515 bệnh nhân tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 6/3 vừa qua, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt trên 500 ca.
Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao nhất trong 8 tháng qua. (Ảnh: AP)
Chính quyền tỉnh Aichi, Nhật Bản có kế hoạch yêu cầu các nhà hàng phục vụ rượu rút ngắn thời gian mở cửa tại các khu giải trí ban đêm ở thành phố Nagoya trong khoảng 3 tuần bắt đầu từ cuối tuần này trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian gần đây. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi chính quyền thủ đô Tokyo đưa ra biện pháp hạn chế tương tự, yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa vào 22h hàng ngày trong thời gian từ ngày 28/11 - 17/12 tới tại hầu hết các khu vực ở thủ đô.
Trong khi đó, tại Australia, người dân nước này sẽ được tận hưởng một mùa Giáng sinh gần như bình thường với các cuộc tụ họp gia đình hay đi mua sắm, ăn uống khi tỷ lệ mắc COVID-19 đang trở lại mức rất thấp. Ngoài ra, Chính phủ Australia đang xây dựng lộ trình mở cửa biên giới và khôi phục hoạt động du lịch quốc tế với điều kiện tiên quyết là người nhập cảnh phải có giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, nếu không sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần hoặc đồng ý tiêm chủng tại chỗ. Australia tin tưởng sẽ có vaccine phòng COVID-19 vào đầu năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!