Hơn 68,4 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca mắc tại châu Âu vượt 20 triệu trường hợp

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 09/12/2020 06:07 GMT+7

Hơn 68,4 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 9/12, số người mắc COVD-19 trên thế giới đã vượt 68,4 triệu ca, trong đó hơn 1,55 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 15,5 triệu ca mắc và gần 292.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 135.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các trường tiểu học công lập tại thành phố New York đã mở cửa đón học sinh trở lại trường học. Trong khi đó, giới chức Mỹ cảnh báo, hoạt động ăn uống trong nhà tại các nhà hàng có thể tạm thời bị cấm trong vài ngày tới nếu số ca nhập viện do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn ở mức cao.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới Ấn Độ, tổng số người mắc là trên 9,7 triệu ca, trong đó gần 141.400 trường hợp đã thiệt mạng. Ngày 8/12, Ấn Độ ghi nhận trên 32.000 ca mắc COVID-19 mới. Trong những ngày qua, tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại các vùng dịch lớn ở Ấn Độ là Maharashtra, Kerala, Tây Bengal và Delhi đã chậm lại.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã báo cáo trên 2.800 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên hơn 6,6 triệu người. Đến nay, 177.400 bệnh nhân COVID-19 tại Brazil đã không qua khỏi.

Hơn 68,4 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca mắc tại châu Âu vượt 20 triệu trường hợp - Ảnh 1.

Số ca mắc bệnh tại châu Âu đã vượt 20 triệu trường hợp. (Ảnh: AP)

Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 20 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 450.000 ca tử vong. Tại Nga, tổng số ca mắc COVID-19 đã là trên 2,5 triệu người, bao gồm 44.100 trường hợp không qua khỏi. Trong ngày qua, Nga đã ghi nhận gần 26.100 ca mắc COVID-19 mới.

Trong khi đó, Pháp ghi nhận trên 13.700 ca mắc mới trong ngày 8/12, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 2,3 triệu trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo đóng cửa tạm thời tòa nhà Bộ Nội vụ, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên, quan chức thuộc Bộ này. Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo hoãn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiễn diễn ra trong các ngày 21 - 22/12) đến tháng 1/2021 do tình trạng lây nhiễm cộng đồng bùng phát. Trước đó, các trường tư thục tại Campuchia đã tạm thời đóng cửa trong 2 tuần.

Hàn Quốc lại có phần cẩn trọng khi tuyên bố sẽ không vội tiêm vaccine COVID-19 để có thời gian theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn. Ngày 8/12, Bộ Y tế nước này cho biết, lô vaccine sớm nhất dự kiến sẽ được vận chuyển về Hàn Quốc vào tháng 2/2021. Nước này đã ký thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 44 triệu người dân trong năm tới. Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể bắt đầu chương trình tiêm vaccine vào nửa cuối năm 2021 để có thời gian chuẩn bị quy trình, đồng thời theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine ở các quốc gia khác.

Theo Chính phủ Hàn Quốc, nước này vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 8/12 cho biết sẽ kéo dài thời gian mở cửa các trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đến 21h các ngày trong tuần và 18h các ngày cuối tuần.

Hơn 68,4 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca mắc tại châu Âu vượt 20 triệu trường hợp - Ảnh 2.

Hàn Quốc không vội tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)

Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã cho phép tổ chức các sự kiện đếm ngược quy mô lớn để chào đón năm mới ở nước này. Tuy nhiên, CCSA nêu rõ,  các sự kiện này phải đảm bảo việc thực hiện những tiêu chuẩn an toàn sức khỏe nhằm tránh lây lan dịch COVID-19. Ngày 8/12, Thái Lan chỉ ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 mới. Hiện tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này là trên 4.100 ca, trong đó có 60 trường hợp thiệt mạng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, các quốc gia cần tuyên truyền để người dân hiểu và tin tưởng lợi ích của vaccine ngừa COVID-19, thay vì bắt buộc người dân phải đi tiêm chủng. Theo WHO, việc bắt buộc phải tiêm chủng có thể là cách làm sai bởi đã từng xảy ra tâm lý phản đối gia tăng khi người dân bị buộc đi tiêm chủng. Vì thế, không nên bắt buộc người dân đi tiêm chủng, thay vào đó nên thuyết phục để người dân hiểu lợi ích của vaccine và đi tiêm chủng. Tuy nhiên, có thể phải bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19 đối với một số vị trí nhất định như nhân viên y tế vì sự an toàn của bệnh nhân và của chính họ.

Hạn chế lây lan COVID-19, Campuchia đóng cửa tòa nhà Bộ Nội vụ Hạn chế lây lan COVID-19, Campuchia đóng cửa tòa nhà Bộ Nội vụ Các ông già Noel đối mặt nguy cơ cao mắc COVID-19 Các ông già Noel đối mặt nguy cơ cao mắc COVID-19 Ngày tiêm vaccine lịch sử và hành trình đến Anh của vaccine COVID-19 do Pfizer sản xuất Ngày tiêm vaccine lịch sử và hành trình đến Anh của vaccine COVID-19 do Pfizer sản xuất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước