Indonesia di dời thủ đô - Lời cảnh tỉnh về tình trạng sụt lún trên thế giới từ Jakarta

Thanh Ba (VTV8)-Thứ bảy, ngày 17/08/2019 19:51 GMT+7

VTV.vn - Thủ đô của Indonesia sẽ được chuyển từ đảo Jakarta đến đảo Borneo, hòn đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất tại châu Á.

Ngày 16/8, Tổng Thống Indonesia đã chính thức đệ trình lên Quốc hội nước này kế hoạch chuyển thủ đô từ thành phố Jakarta trên đảo Java tới đảo Borneo trong bối cảnh dự báo chỉ sau 30 năm nữa gần như toàn bộ thành phố Jakarta sẽ chìm dưới mực nước biển. Quyết định của Tổng thống Indonesia Widodo được đưa ra trong bối cảnh hòn đảo Java với 135 triệu người sinh sống, nơi có mật độ dân số cao nhất toàn cầu, đang trở nên quá tải, trong khi thủ đô Jakarta trên đảo Java đang chìm xuống biển với tốc độ nhanh nhất thế giới.

Ước tính việc di dời thủ đô Jakarta có thể mất tới 10 năm và tiêu tốn đến 30 tỉ USD, nhưng việc này được xem là chuyện cần làm trong bối cảnh gần 50% diện tích của thành phố với hơn 10 triệu dân Jakarta đã nằm dưới mực nước biển từ 2 - 4m. Với tốc độ sụt lún 20 cm/năm kết hợp với nước biển dâng cao, ước tính đến năm 2050, 95% diện tích Jakarta sẽ chìm dưới mực nước biển. Chính quyền Indonesia cũng đang xúc tiến đề án củng cố 30km đê biển, bồi đắp 17 đảo nhân tạo và xây bức tường khổng lồ với chi phí 42 tỷ USD dọc phía Đông và Tây vịnh Jakarta để ngăn nước biển tràn vào thủ đô Jakarta.

Việc Indonesia di dời thủ đô là lời cảnh tỉnh đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á đang hoặc sắp chịu chung số phận trong tương lai gần. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hiện có khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển trên thế giới đang bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng. Đáng chú ý là 7 trong số 10 thành phố thuộc diện nguy cấp nhất nằm ở châu Á và trong số này có tới 4 thành phố nằm ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố có tốc độ chìm xuống biển nhanh nhất do hạ tầng quá tải và tình trạng khai thác cạn kiệt nước ngầm, cộng đồng ven biển vịnh Manila và cả thủ đô Manila của Philippines đang bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Với tốc độ chìm 1 - 2 cm/năm, thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng có tới gần 40% diện tích có nguy cơ bị chìm dưới mực nước biển sau 1 thập kỷ nữa.

Điều đáng nói, TP.HCM với hơn 60% diện tích có cao độ từ 1,6m trở xuống, thấp hơn đỉnh triều cường 10cm, là thành phố xếp thứ 3 trong danh sách báo động này. Chương trình nghiên cứu khủng hoảng nước và thực phẩm toàn cầu vừa công bố báo cáo cho thấy, trong 15 năm qua, ĐBSCL mất từ 300 - 500ha đất mỗi năm.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất đủ lương thực cho gần 200 triệu người. Do đó, bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng nông nghiệp ở Việt Nam sẽ gây ra hậu quả cho an ninh lương thực toàn cầu. Chính vì vậy, tình trạng sụt lún tại ĐBSCL không chỉ là vấn đề của riêng đất nước chúng ta, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế.


Thủ đô Jakarta, Indonesia trước nguy cơ bị chìm đến 1/3 diện tích Thủ đô Jakarta, Indonesia trước nguy cơ bị chìm đến 1/3 diện tích

VTV.vn - Các chuyên gia môi trường cảnh báo, 1/3 diện tích của thành phố Jakarta có thể bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu tốc độ nước biển dâng tiếp tục duy trì như hiện nay.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước