Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng môi trường biến đổi cũng như sự thiếu quản lý trong công tác xây dựng đã khiến nguồn sinh kế đó bị ảnh hưởng. Người dân buộc phải di cư để sinh tồn, và con số này đang tăng lên hàng năm.
Trên một bờ biển cháy nắng ở vùng đầm lầy phía Nam Iraq, ngư dân đang thu hoạch một mẻ cá. Chỉ có điều những con cá này đều đã chết, chỉ thích hợp làm thức ăn cho gia súc.
Người dân địa phương từng sống cuộc sống tự cung tự cấp trong các vùng nước ngọt rộng lớn tạo nên vùng đầm lầy Iraq được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thu được những mẻ lưới đầy ắp cá tươi và nuôi những đàn trâu nước lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hạn hán đã khiến nước sông rút đi. Nước biển gần đó tràn vào khiến lượng nước còn lại chuyển thành nước lợ, dẫn đến sự biến mất của cá và đe dọa sinh kế của người dân.
Ông Khamis Adel, nông dân, nói: "Trước đây có nhiều loại cá, nhưng giờ chẳng còn nữa do thiếu nước, nước nhiễm mặn và các con đập được xây dựng".
(Ảnh: International Shia News Agency)
Ông Ali Hakim, nông dân, cho biết: "Nước cạn hết rồi. Cá chết, còn đàn trâu của tôi mấy hôm trước cũng đã chết mất 4 con. Chết đói. Thức ăn gia súc đắt quá, tôi không đủ tiền mua".
Không gian từng một thời phủ màu xanh tươi tốt giờ chỉ còn cảnh khô cằn, ngả sang màu nâu xám, với những chiếc thuyền gỗ bị bỏ không và xương động vật nằm rải rác.
"Bây giờ chúng ta đi đâu?" là câu hỏi được đặt ra bởi nhiều người từng sống ở vùng đầm lầy của Iraq. Trên khắp đất nước, ngư dân, nông dân và thợ đóng thuyền, đang từ bỏ cuộc sống phụ thuộc vào nước, tìm kiếm việc làm ở các khu vực thành thị, nơi tỷ lệ thất nghiệp vốn đã cao.
Tính đến tháng 9/2022, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc cho biết, trên 62.000 người đã phải di dời trên khắp Iraq do tình trạng hạn hán trong hơn 4 năm, con số này có thể sẽ tăng lên khi điều kiện trở nên tồi tệ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!