Trong cuộc không kích đêm qua vào khu trại là nơi cư ngụ của hơn 100 nghìn người Palestine, quân đội Israel cho biết đã tiêu diệt Ibrahim Biari - chỉ huy chủ chốt của Phong trào Hồi giáo Hamas đã tham gia vụ tấn công lãnh thổ Israel ngày 7/10.
Vụ tấn công này cũng đã khiến hơn 50 người Palestine thiệt mạng, khoảng 150 người bị thương. Còn lực lượng Hamas bác bỏ tuyên bố của Israel về sự hiện diện của một thủ lĩnh Hamas trong trại tị nạn.
Ngay sau vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Palestine ra tuyên bố lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất đối với vụ tấn công
Phản ứng của dư luận
Dư luận quốc tế và khu vực đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ tấn công vào trại tị nạn Jabalia, bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo đang ngày một xấu đi tại đây, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo khẩn cấp.
Trại tị nạn Jabalia là nơi trú ngụ của hơn 100 nghìn người Palestine. Đây là trại tị nạn lớn nhất tại Dải Gaza, được lập ra từ lâu để làm nơi cư trú cho những người Palestine bị mất nhà cửa sau cuộc chiến giữa các nước Arab và Israel năm 1948.
Việc Jabalia trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc xung đột đang được dư luận Trung Đông mô tả là hồi chuông thức tỉnh cộng đồng quốc tế, phải hành động để buộchai bên Israel - Hamas giảm nhiệt căng thẳng. Bởi Jabalia không phải là khu dân cư đông đúc duy nhất tại dải Gaza, và cũng không có gì đảm bảo sẽ là khu dân cư cuối cùng phải hứng chịu đạn pháo của các cuộc xung đột.
Hiện các số liệu cho thấy, có 400 nghìn dân thường Palestine vẫn đang ở khu vực phía bắc của Dải Gaza, nơi quân đội Israel cảnh báo sẽ là mục tiêu trọng tâm của họ trong các cuộc tấn công. Đáng lo ngại hơn nữa là khoảng 40% dân số tại Dải Gaza là trẻ em, những nạn nhân vô tội nhất, dễ tổn thương nhất trong các cuộc xung đột.
Nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza
Bộ Y tế Palestine mới đây đã ra thông báo, mà họ gọi là những lời cảnh báo cuối cùng gửi tới thế giới, trong đó cho biết hai bệnh viện lớn nhất tại Dải Gaza hiện nay chỉ còn vài giờ nữa là hết nhiên liệu để duy trì hệ thống điện, khiến việc cứu chữa nạn nhân trở nên hầu như không thể. Hiện các chuyến hàng cứu trợ vào được Dải Gaza chủ yếu chỉ là lương thực và thuốc men, trong khi xăng lại là hàng hóa quân đội Israel cấm vận chuyển vào Dải Gaza, do họ lo ngại nó có thể được Hamas sử dụng cho các mục đích chiến đấu.
Theo tổ chức Cứu trợ Y tế cho người Palestine, trong các cuộc xung đột vừa qua, tính trung bình cứ 10 phút lại có 1 trẻ em thiệt mạng tại Dải Gaza. Tuy nhiên nói về khía cạnh nhân đạo, hiện một số tổ chức nhân quyền tại Trung Đông không chỉ kêu gọi Israel dừng các cuộc công kích, mà cũng đồng thời kêu gọi Hamas phải trao trả ngay những con tin mà họ bắt giữ, ước tính khoảng 230 người, bao gồm cả các công dân nước ngoài.
Lực lượng Hamas cho biết, họ có thể sẽ thả tự do cho các con tin không phải người Israel trong những ngày tới, nhưng như vậy không thể là đủ, bởi dù dưới bất cứ danh nghĩa gì, các cuộc tấn công liên tục của Israel hay việc giữ các con tin của Hamas cũng đều đang tạo ra những tác động sâu sắc tới dân thường vô tội.
Nguy cơ gia tăng tấn công trên lãnh thổ Mỹ
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vừa lên tiếng cảnh báo, xung đột leo thang giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ. Đối tượng là cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo đang sinh sống tại quốc gia này.
Theo FBI, tình hình xung đột đang diễn ra ở Trung Đông đã nâng mối đe dọa về một cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ trên lãnh thổ Mỹ lên một cấp độ mới. Cuộc xung đột nói trên có thể kích động các phần tử cực đoan trong nước tấn công nhằm vào cộng đồng người Do Thái hoặc Hồi giáo tại Mỹ.
Để tăng cường khả năng bảo vệ các lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông, Lầu Năm Góc hôm qua cũng xác nhận, nước này sẽ điều động thêm 300 binh sĩ tới khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!