Nhà báo Gazan Hazem Suleiman, bị cụt một chân, tiếp tục ghi lại sự tàn phá ở cửa khẩu Rafah, ngày 13/2. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Quốc hội Israel hôm 12/2 đã bỏ phiếu với tỷ lệ 25/4 để thông qua dự luật cho phép Tây Jerusalem tạm thời "đặt ngoài vòng pháp luật" các cơ quan truyền thông nước ngoài mà Bộ Quốc phòng coi là có hại cho an ninh quốc gia. Dự luật được gọi một cách phổ thông là "Luật Al Jazeera" nhằm ghi nhận việc nhắm mục tiêu cụ thể vào các hãng truyền thông.
Biện pháp này được tiến hành ngay sau khi một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel cáo buộc phóng viên Mohamed Washah của mạng truyền hình Al Jazeera là một đối tượng khủng bố.
"Buổi sáng, anh ta là nhà báo của kênh Al Jazeera, và buổi tối, anh ta là kẻ khủng bố thuộc Hamas!" - Trung tá Avichay Adraee cho biết trên X (trước đây là Twitter), đăng những bức ảnh được cho là cho thấy Washah sử dụng nhiều loại vũ khí.
"Luật Al Jazeera" được Bộ trưởng Bộ Truyền thông Shlomo Karhi soạn thảo vào năm 2023, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố tuyên chiến với Hamas sau cuộc đột kích chết người vào lãnh thổ Israel của lực lượng này vào ngày 7/10/2023. Ông Karhi lập luận rằng thông tin của Al Jazeera đã dẫn đến việc hình thành "sự kích động chống lại Israel, hỗ trợ Hamas-IS và các tổ chức khủng bố bằng cách tuyên truyền, đồng thời khuyến khích hành động bạo lực chống lại Israel".
Một tòa nhà dân cư bị Israel tấn công ở Rafah vào tháng 1 (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã yêu cầu Chính phủ Qatar buộc Al Jazeera "giảm tần suất và cường độ" đưa tin về cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) đã phản ứng với cuộc bỏ phiếu của Knesset bằng cách cáo buộc Israel "sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để hạn chế các phương tiện truyền thông chỉ trích không xác nhận tường thuật của họ về cuộc chiến" và cố gắng kiểm duyệt việc đưa tin của các phương tiện truyền thông về những gì đang diễn ra ở Gaza.
Hai phóng viên của Al Jazeera bị thương nặng trong cuộc không kích của Israel ở miền Nam Gaza hôm 13/2. Theo báo này, phóng viên Ismail Abu Omar đã phải cắt cụt chân, trong khi nhà quay phim Ahmed Matar bị "vết thương nặng ở mặt".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã gửi "lời chia buồn chân thành" tới mạng truyền hình này và cho biết Mỹ "tiếp tục hợp tác với Chính phủ Israel để làm rõ rằng các nhà báo phải được bảo vệ".
Ước tính có khoảng 1.200 người Israel đã tử vong trong các cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10/2023. Theo Bộ Y tế của khu vực Gaza do Hamas điều hành, kể từ đó, các lực lượng Israel đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người Palestine ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!