Động thái này có thể đình chỉ bất kỳ cuộc sơ tán nào khác đối với thường dân và báo hiệu những ngày tồi tệ sắp tới trong cuộc giao tranh ở Sudan.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kenya Korir Sing'oei cho biết hôm 5/6 rằng các nhà ngoại giao của Nairobi ở Khartoum đang đối mặt với rủi ro về an toàn, buộc Chính phủ Kenya phải đóng cửa đại sứ quán và thay đổi chính sách ban đầu của nước này là ở lại Sudan để giúp theo đuổi hòa bình.
"Chúng tôi tiếp tục nhận được những tin tức đáng lo ngại về việc các nhóm vũ trang (giao chiến) ở Khartoum, nhắm mục tiêu vào các quan chức ngoại giao", ông Korir Sing'oei viết trên Twitter.
"(Phái bộ) Kenya ở Khartoum vẫn mở cửa để tạo điều kiện sơ tán cho bất kỳ công dân Kenya nào còn ở lại Sudan", ông nói thêm.
Sau khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4, Kenya đã hỗ trợ giải cứu khoảng 900 công dân nước này cùng với người dân của các quốc gia khác bị mắc kẹt ở Khartoum. Tuy nhiên, các quan chức đại sứ quán Kenya vào lúc đó tuyên bố, họ sẽ không đóng cửa đại sứ quán như một phần trong nỗ lực giữ liên lạc với các bên tham chiến gồm Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Bộ trưởng Bộ Nội các Đối ngoại và Cộng đồng người di cư Kenya Alfred Mutua. (Ảnh: NMG)
Tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington, Bộ trưởng Bộ Nội các Đối ngoại và Cộng đồng người di cư Kenya Alfred Mutua xác nhận, đại sứ quán của Kenya sẽ vẫn mở cửa như một phần trong nỗ lực của khu vực nhằm giảm căng thẳng giữa các bên.
Động thái này có thể phản ánh cả tình trạng bạo lực leo thang ở Khartoum và việc không có bên tham chiến nào tôn trọng lệnh ngừng bắn. Đã có sáu thỏa thuận ngừng bắn giữa SAF do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và chỉ huy RSF Mohamed Daglo Hemedti. Trong mọi trường hợp, giao tranh vẫn tiếp diễn. Đến ngày 5/6, các cơ quan của Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 1.000 người ở Sudan đã thiệt mạng và trên 800.000 người phải sơ tán trong nước hoặc buộc phải di tản sang các nước láng giềng để tị nạn.
Tuần trước, một chương trình hòa giải do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian, được gọi là Đàm phán Jeddah, đã bị đình chỉ sau khi Mỹ cho rằng các bên tham chiến của Sudan không nghiêm túc trong việc chấm dứt cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, vào ngày 5/6, các nhà hòa giải ở Jeddah cho biết, họ vẫn đang mời các bên tham gia để tìm cách nối lại đàm phán đình chiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!