Không có dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra ở Saudi Arabia.
Bạo lực, giao tranh tại Sudan đã đẩy nhanh làn sóng người sơ tán khỏi nhà của họ, với số người phải di cư tại Sudan đã tăng gấp hơn 2 lần trong tuần qua, lên hơn 700.000 người, Tổ chức Di cư Quốc tế, cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc, cho biết.
"Mối nguy hiểm lớn nhất là nạn trộm cướp ngày càng lan rộng và hoàn toàn không có cảnh sát cũng như luật pháp", Ahmed Saleh, đến từ thành phố Bahri lân cận với thủ đô Khartoum, cho biết. Các ngôi nhà, cửa hàng và nhà kho đều đã trở thành mục tiêu cướp phá.
Xung đột nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) có nguy cơ dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài có thể thu hút các cường quốc bên ngoài và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới trên toàn khu vực.
Liên hợp quốc ước tính, có thêm 5 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp tại Sudan, trong khi 860.000 người dự kiến sẽ chạy sang các quốc gia láng giềng đang gặp khủng hoảng vào thời điểm các nước giàu cắt giảm viện trợ.
Tổ chức Y tế Thế giới dã nâng số người tử vong được xác nhận ở Sudan lên hơn 600 người, với khoảng 5.000 người bị thương, mặc dù con số thực được cho là cao hơn nhiều.
Trong khi đó, không có dấu hiệu tiến triển nào với các cuộc đàm phán diễn ra ở Saudi Arabia kể từ ngày 6/5, mặc dù mục tiêu đàm phán là ngừng bắn để cho phép tiếp cận nhân đạo. Các thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã liên tục bị phá vỡ.
Quân đội Sudan, dưới sự chỉ huy của Tướng Abdel-Fattah al-Burhan và RSF, dưới sự chỉ huy của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, đã hợp lực trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021, định hình lại kế hoạch chuyển đổi sang chế độ dân sự.
Tuy nhiên, sau đó họ đã bất đồng về các điều khoản và thời điểm của quá trình chuyển đổi, dẫn đến sự bùng nổ giao tranh bất ngờ ở thủ đô Khartoum vào ngày 15/4 và nhanh chóng lan sang vùng Darfur, nơi xung đột đã nổ ra từ năm 2003.
Hôm 8/5, Tướng Burhan nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông mong muốn hòa bình.
"Chúng tôi tin rằng một giải pháp hòa bình là con đường lý tưởng để xử lý cuộc khủng hoảng này", ông Burhan nói, nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng nhượng bộ.
Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông Erdogan đã nói chuyện với Tướng Burhan hôm 9/5 và xác nhận, Ankara sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo về một giải pháp hòa bình toàn diện hơn.
Các nhân viên cứu trợ thông tin, giao tranh giữa các phe phái quân sự đối địch ở Sudan đang khiến những chương trình nhân đạo được tài trợ trong khu vực gặp nhiều khó khăn.
Ngay cả trước khi bạo lực bắt đầu bùng phát vào ngày 15/4, hàng triệu người ở Sudan và các nước láng giềng đã phụ thuộc vào viện trợ do tình trạng nghèo đói và xung đột. Kể từ đó, hàng trăm người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 5 nhân viên hoạt động nhân đạo, lương thực dự trữ bị cướp phá và nhiều nhân viên cứu trợ quốc tế đã rời đi.
Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) đang tìm kiếm thêm 445 triệu USD để ứng phó với cuộc di cư dự kiến của 860.000 người đến 6 trong số 7 nước láng giềng của Sudan gồm Cộng hòa Chad, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi vào tháng 10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!