Đây chính là lý do để Chính phủ Indonesia quyết định mạnh tay siết chặt việc nhập khẩu quần áo cũ.
Những kiện quần áo nhập khẩu đã qua sử dụng đã được hủy. Trong đợt này, khoảng 7.300 kiện quần áo cũ có trị giá lên đến 80 tỉ rupiah (khoảng 5,3 triệu USD) sẽ bị đốt. Đây cũng là lần tiêu hủy quần áo cũ nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay tại Indonesia, số quần áo nói trên được nhập khẩu tại tỉnh Đông Java hồi cuối tháng ba vừa qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biêts: "Việc nhập khẩu quần áo cũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng với ngành dệt may trong nước cũng như các doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ. Cần phải có biện pháp mạnh tay để cấm triệt để việc này".
Tại Indonesia, quần áo đã qua sử dụng chiếm 31% thị phần ngành may mặc khiến chính phủ bị tổn thất lớn về nguồn thu vì những mặt hàng này không bị đánh thuế. Phần lớn số quần áo cũ được nhập trái phép vào trong nước từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, chúng thường được nhập trái phép thông qua các cảng nhỏ tại khu vực tỉnh Đông Java, Sumatra và Kalimantan.
Năm 2015, Bộ Thương mại Indonesia từng ban hành quy định cấm nhập khẩu mặt hàng quần áo cũ với lý do bảo vệ ngành dệt may trong nước khỏi quần áo cũ giá rẻ từ nước ngoài cũng như những lo ngại về vấn đề vệ sinh. Tuy nhiên, lệnh cấm chưa đạt được hiệu quả do không có bất kỳ hình phạt cụ thể nào đối với các vi phạm. Do vậy, chính phủ đang xem xét đưa ra các mức phạt nặng nhằm chấm dứt tình trạng này.
Năm ngoái, cơ quan Hải quan Indonesia đã tiến hành 234 cuộc kiểm tra chống buôn lậu quần áo cũ, riêng trong tháng 2 năm nay đã thực hiện 44 cuộc. Indonesia nằm trong số 10 quốc gia sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới và đây là một trong những ngành quan trọng nhất đối với nền kinh tế Indonesia, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!