Cứ mỗi giây, lượng hàng dệt may tương đương một xe chở rác bị chôn hoặc đốt bỏ

Nguyễn Mai-Thứ ba, ngày 09/11/2021 11:35 GMT+7

VTV.vn - Một núi quần áo bị vứt bỏ đang dần xâm chiếm hoang mạc Atacama ở Chile. Đây là hệ lụy đáng báo động do cái được gọi là ngành "thời trang nhanh" tạo ra.

Chile từ lâu đã là một trung tâm tập trung quần áo cũ và không bán được, những bộ quần áo được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Bangladesh, sau đó được vận chuyển đến châu Âu, châu Á hoặc Mỹ trước khi đến Chile, từ đó chúng lại được chuyển đi khắp châu Mỹ Latin. Ước tính, mỗi năm lại có khoảng 59 nghìn tấn quần áo cập cảng miền Bắc Chile. Những người buôn quần áo đến từ thủ đô Santiago thường chỉ mua một ít trong số này. Ít nhất 39 nghìn tấn hàng ế cuối cùng lại được tập kết tại các bãi rác trên sa mạc. Những người nghèo hơn sẽ đến đây, lựa vài chiếc còn mặc được.

Chị Sofia - Người di cư Venezuela tại Chile cho biết: "Tôi dắt theo hai đứa con đến đây xem có gì mặc được không. Trời bắt đầu lạnh về đêm rồi, tối sẽ tìm mấy chiếc áo ấm. Nếu tìm được một tấm chăn hay khăn quàng thì tốt".

Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng, chúng được lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. 

Cứ mỗi giây, lượng hàng dệt may tương đương một xe chở rác bị chôn hoặc đốt bỏ - Ảnh 1.

Thời trang nhanh cho phép người tiêu dùng mua quần áo hợp thời với giá cả phải chăng và sau đó lại bỏ chúng đi để mua những món đồ mốt mới. Mặc dù mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn doanh nghiệp, nhưng "thời trang nhanh" cũng bị chỉ trích vì những hậu quả gây ra đối với môi trường. Để sản xuất một chiếc quần bò cần 7.500 lít nước, trong khi quần áo và giày dép "đóng góp" 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và cứ mỗi giây, một lượng hàng dệt may tương đương với một xe chở rác bị chôn hoặc đốt bỏ.

Ông Franklin Zepeda - Giám đốc công ty tái chế Ecofibra, Chile cho rằng: "Vấn đề là quần áo không thể phân hủy và chứa các sản phẩm hóa học, vì vậy chúng bị từ chối tiếp nhận trong các bãi rác của thành phố. Chúng tôi tận dụng rác thải thời trang để làm thành tấm cách nhiệt".

Quần áo, dù là sợi tổng hợp hoặc được xử lý bằng hóa chất, có thể mất tới 200 năm để phân hủy và có tính chất độc hại tương đương lốp xe hoặc đồ nhựa bỏ đi. Do đó, tại nhiều quốc gia, người dân được khuyến khích thay đổi thói quen mua sắm thời trang nhanh, ưu tiên dùng quần áo từ chất liệu tái chế để bảo vệ môi trường.

Biến 'rác thải thời trang' thành tiền Biến "rác thải thời trang" thành tiền

VTV.vn - Từ những bộ quần áo cũ, qua bàn tay khéo léo của Hải Yến đã trở thành các sản phẩm độc lạ, bắt nhịp với xu hướng thời trang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước