Khoảng 1,6 triệu dân Catalan đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha

Lê Hồng Quang (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 10/11/2014 21:28 GMT+7

Cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi tại vùng Catalan của Tây Ban Nha về việc vùng này có nên tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành quốc gia độc lập hay không đã kết thúc hôm qua (9/11).

Kết quả kiểm phiếu cho thấy có tới 80% cử tri Catalan ủng hộ độc lập. Để có thêm thông tin về về cuộc bỏ phiếu tại Tây Ban Nha, Bản tin 19h ngày 10/11 của Đài THVN  đã có cuộc trao đổi với phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú Đài THVN tại châu Âu.

Con số 80% cử tri Catalan ủng hộ độc lập là một tỷ lệ lớn trong một cuộc bỏ phiếu, vậy đây có phải là một thắng lợi của phe đòi ly khai hay không, thưa anh Hồng Quang?

PV Lê Hồng Quang: Theo tôi, mọi người cần phải nhìn nhận kết quả này một cách tương đối. Catalan có 5,4 triệu cử tri, ngày hôm qua có khoảng 2 triệu tham gia bỏ phiếu (chưa tới một nửa tổng số cử tri của cả vùng). Trong số 2 triệu người đi bỏ phiếu, có 80% ủng hộ độc lập.

Như vậy, trong tổng số 5,4 triệu cử tri Catalan có 1,6 triệu dân ủng hộ độc lập. Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu này, do vậy kết quả kiểm phiếu không có ý nghĩa thực chất. Cuộc bỏ phiếu cũng không có Ủy ban giám sát độc lập, nên rất khó kiểm chứng độ chính xác của các kết quả. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, phe ly khai đã thành công khi huy động được ngần ấy cử tri Catalan đi bỏ phiếu.

Trước ngày hôm qua, Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra lệnh cấm bỏ phiếu, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng tuyên bố là kết quả có ra sao cũng không có ý nghĩa gì. Vậy cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua liệu có tác động gì không tới tương lai của vùng Catalan và Tây Ban Nha nói chung?

PV Lê Hồng Quang: Thủ tướng Mariano Rajoy đã nói trước là kết quả bỏ phiếu không có ý nghĩa gì, cho đến trưa 10/11 vẫn chưa thấy ông tuyên bố gì. Nhưng có lẽ ông không thể không suy nghĩ khi biết kết quả. Cứ cho là cuộc bỏ phiếu hôm qua là một cuộc thăm dò dân ý không mang ý nghĩa chính trị và là một cuộc thăm dò dư luận bình thường, thì con số 80% có thể sẽ buộc Chính phủ Tây Ban Nha phải đàm phán với chính quyền địa phương Catalan theo một cách khác.

Số người đi bầu cũng như kết quả bầu cử hôm qua có thể sẽ đẩy mâu thuẫn giữa chính quyền Trung ương Tây Ban Nha và chính quyền một địa phương lên cao hơn nữa. Cuộc bỏ phiếu vi hiến do chính quyền Catalan đơn phương tổ chức do vậy có nguy cơ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài tại Tây Ban Nha.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước