Các hoạt động đốt pháo vẫn diễn ra. Do đó, nhiều nơi ở Ấn Độ bị bao phủ bởi một lớp khói mù dày đặc với mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 9 lần ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sau khi trải qua những màn ăn mừng pháo hoa trái với quy định, đến buổi sáng, hàng trăm triệu người dân Ấn Độ thức dậy trong bầu không khí độc hại. Một số người dân Ấn Độ cho rằng, pháo hoa là một phần thiết yếu của truyền thống tôn giáo. Do đó, dù có lệnh cấm, họ vẫn tìm cách lách luật. Trong các ngày từ 14 - 15/11, hiện tượng đốt pháo vẫn xảy ra tại nhiều địa phương ở Ấn Độ.
Hoạt động đốt pháo trong lễ Diwali vẫn diễn ra dù đã có lệnh cấm. (Ảnh: AP)
Không chỉ ở thủ đô New Delhi, tại các thành phố lớn thuộc những bang như Punjab, Uttar Pradesh, Haryana, Bihar, nơi vốn luôn hứng chịu mức chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới, đã chứng kiến mức độ ô nhiễm thậm chí còn cao hơn vào buổi sáng sau lễ hội Diwali.
Dữ liệu của Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ cho biết, chỉ số chất lượng không khí trung bình đo được tại các địa điểm khác nhau trong nhiều thành phố lớn của Ấn Độ sau lễ Diwali đều cao hơn cùng kỳ năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!