Khủng hoảng Nga - Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 16/03/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc mới đây cảnh báo, an ninh lương thực toàn cầu đối mặt thêm thách thức do cuộc xung đột Nga - Ukraine và hai năm đại dịch COVID-19.

Cả Nga và Ukraine đều là các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Hai nước cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm hơn một nửa thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Ngoài ra, Nga còn là nhà sản xuất phân bón hàng đầu.

Gián đoạn hoạt động nông nghiệp của Nga và Ukraine cùng những hạn chế xuất khẩu đối với Nga có nguy cơ gây mất an ninh lương thực trên toàn cầu. Khi mà xung đột Nga - Ukraine đang đẩy giá lúa mì lên cao, những cánh đồng lúa mì ở hạt York của Anh trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Nhưng việc gia tăng giá nguyên vật liệu thô phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng gây sức ép không nhỏ cho những người nông dân.

Anh James Mills - Nông dân người Anh cho biết: "Năm ngoái chúng tôi đã chứng kiến giá phân bón tăng khoảng 200%, dầu diesel cũng tăng khoảng 98%. Giá nguyên vật liệu giờ lại tiếp tục nhảy vọt. Dù giá thành phẩm của chúng tôi cũng tăng, nhưng chẳng thể so được với mức độ gia tăng của giá nguyên vật liệu".

Khủng hoảng Nga - Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu - Ảnh 1.

Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá lúa mì lên cao

Đối với những người trực tiếp cung cấp thực phẩm chế biến từ bột mì thì giá cả nguyên vật liệu tăng khiến họ đứng trước nguy cơ đóng cửa sau 25 năm hoạt động. Anh Raphael Borketey - Chủ cửa hàng bánh Anh em Bettina, Accra, Ghana nói: "Giá cả cứ liên tục tăng. Không chỉ là bột mì, mà cả đường, bơ, tất cả nguyên liệu cần thiết để làm bánh mì đều tăng giá. Giờ thì giá cứ tăng theo từng tuần, việc sản xuất của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nặng nề".

Gần ¼ lượng lúa mì của Ghana được nhập khẩu từ Nga, đây là một trong số các quốc gia phụ thuộc tương đối nhiều vào Nga về nguồn cung lúa mì. Các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu của Nga đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Nga và Ukraine.

Khủng hoảng Nga - Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu - Ảnh 2.

FAO ước tính, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8-20%.

Ông Maximo Torero - Nhà kinh tế trưởng, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) phân tích: "Chúng ta đang ở trong một tình huống cực kỳ khó khăn. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì trên thế giới, chỉ tính riêng Ukraine, chúng ta có 7 triệu tấn lúa mì chưa được giao, chiếm 29% tổng lượng xuất khẩu lúa mì của nước này trong năm nay. Còn đối với ngô, chúng ta có 12 triệu tấn, chiếm 36% tổng sản lượng ngô. Điều này có nghĩa là nếu Ukraine ngừng xuất khẩu lúa mì và ngô, chúng ta sẽ thiếu gần 20 triệu tấn lương thực. Vấn đề đặt ra là liệu các nước xuất khẩu khác như Mỹ và Australia có thể bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó?".

Theo ước tính của FAO, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8% đến 20%. FAO cũng cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.

Khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang khiến giá dầu tăng vọt Khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang khiến giá dầu tăng vọt Nga và OSCE thảo luận về khủng hoảng Ukraine và Syria Nga và OSCE thảo luận về khủng hoảng Ukraine và Syria Nga kêu gọi phương Tây giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine Nga kêu gọi phương Tây giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước