Dân Ukraine ùn ùn kéo sang Ba Lan. Ảnh: AP
Theo Liên hợp quốc, số người sơ tán khỏi Ukraine đã là hơn 2 triệu người, khiến đây trở thành cuộc "khủng hoảng người sơ tán diễn biến nhanh nhất" ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. Dự kiến khi chiến sự leo thang, tổng số người phải rời Ukraine đi lánh nạn có thể lên đến 5 triệu.
Ukraine có diện tích lớn thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Nga. Các nguồn tin tại chỗ cho thấy giao tranh vẫn diễn ra tại hàng loạt thành phố từ miền Bắc cho đến miền Đông Ukraine như Kiev, Kharkov và Mariupol. Trên bàn đàm phán, Nga và Ukraine nỗ lực để đưa ra một lệnh ngừng bắn tạm thời, mở những hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng chiến sự. Người dân đi tàu hỏa, xe khách hoặc xe cá nhân sơ tán qua biên giới các nước láng giềng.
Ba Lan là điểm đón tiếp nhiều người di tản nhất với hơn 1 triệu người. Sau đó là Nga, Hungary, Slovakia, Romania và Moldova.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo, còn một số lượng lớn người dân từ Ukraine chưa thể sơ tán do có nhiều thông tin về các vụ giao tranh, pháo kích thường xuyên xảy ra trên các hành lang nhân đạo.
Nga gấp rút hỗ trợ người sơ tán từ Ukraine
Người dân thủ đô Kiev lên các chuyến tàu di tản đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine ngày 6/3 - Ảnh: Reuters
Nga là một trong những quốc gia tiếp nhận dòng người lánh nạn lớn nhất sau 3 tuần xung đột nổ ra ở Ukraine. Theo số liệu của các cơ quan chức năng Nga, tính đến ngày 9/3 đã có hơn 204 nghìn người dân từ các vùng chiến sự Ukraine sơ tán đến Nga, trong đó có khoảng 50 nghìn trẻ em. Giới chức Nga gấp rút thiết lập các trung tâm y tế, trung tâm hỗ trợ nhân đạo dành cho người sơ tán.
Đã có hơn 400 trung tâm lưu trú tạm thời ở 25 khu vực của Nga được triển khai để tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine ngay sau khi xảy ra xung đột. Trong số hơn 204 nghìn người dân lánh nạn đến Nga, có đến gần 180 nghìn người từ các vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.
Chính phủ Nga đã thông qua một sắc lệnh về việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho những người lánh nạn từ Ukraine. Người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng và cấp thuốc theo đơn. Trong trường hợp cần thiết, họ được nhận hỗ trợ chuyên sâu, bao gồm cả kỹ thuật cao. Theo Bộ Y tế Nga, hiện có khoảng 150 nghìn người có thể cần sự chăm sóc y tế.
Trước đó Chính phủ Nga cũng phân bổ từ ngân sách 1,5 tỷ rub (khoảng 13 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) để hỗ trợ vật chất một lần cho tất cả các công dân đến Nga từ Ukraine và các vùng lãnh thổ ly khai Donbass.
Bệnh viện phụ sản ở TP Mariupol bị pháo kích hôm 9/3. Ảnh: AP
Hiện người nước ngoài và người không quốc tịch sơ tán từ Ukraine có thể xuất cảnh qua Nga mà không cần thị thực, trong khi những người dân Ukraine đã ở trên lãnh thổ Nga được tạo điều kiện nhận giấy phép lao động, giấy phép cư trú để ổn định nơi ăn chốn ở và làm việc.
Theo thống kê có khoảng 1,7 triệu người Ukraine đã đến và ở lại Nga kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2014. Các cơ quan chức năng Nga cho biết, cùng với việc mở cửa các hành lang nhân đạo để đưa người dân ra khỏi vùng chiến sự trong những ngày này, số người đi lánh nạn từ Ukraine đến Nga sẽ còn tăng lên.
EU áp dụng quy chế bảo vệ tạm thời đối với người sơ tán từ Ukraine
Cho đến nay, phần lớn người sơ tán từ Ukraine đã di chuyển về các quốc gia trong Liên minh châu Âu. EU cũng đã nhất trí cung cấp quy chế bảo vệ tạm thời cho người dân sơ tán khỏi Ukraine. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng có động thái tương tự.
Theo Quy chế Bảo vệ tạm thời, người dân Ukraine sơ tán đến EU sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm. Đây được xem là một quyết định lịch sử của khối này. Giới chức Mỹ cũng thông báo động thái tương tự EU, trao quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine không có giấy tờ hợp pháp đang ở Mỹ. Đồng nghĩa với việc họ sẽ được tiếp tục ở lại Mỹ và không phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất trong tối đa 18 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!