Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska?

Thanh Hiệp (Nguồn: SCMP, Bloomberg, Nikkei Asia)-Thứ năm, ngày 18/03/2021 11:28 GMT+7

VTV.vn - Ngày 18/3, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp song phương đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden. Kỳ vọng từ sự kiện này là không nhiều

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên

Tại Anchorage, Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Sự kiện này đánh dấu lần tiếp xúc song phương cấp cao đầu tiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Quan hệ Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục ở trong tình trạng căng thẳng trên nhiều phương diện, từ các vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Hong Kong (Trung Quốc), cho tới an ninh hàng hải, chính sách kinh tế.

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska? - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken; Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan; Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì; Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Nguồn: Reuters, AFP)

Tại buổi họp báo tổ chức thường niên tại Bắc Kinh vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ hy vọng rằng tại cuộc đối thoại này, hai bên Mỹ - Trung có thể nắm chắc ý đồ chính trị của nhau, tăng cường sự hiểu biết, kiểm soát bất đồng, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung quay trở lại quỹ đạo đúng đắn. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc đối thoại: "Ngay cả khi chúng ta không thể giải quyết mọi việc sớm thì việc trao đổi quan điểm như vậy sẽ giúp tăng cường lòng tin và xóa tan những nghi ngờ".

Phát biểu trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Đây là một cơ hội quan trọng để Mỹ trình bày thẳng thắn về nhiều mối quan tâm của mình. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có con đường hợp tác nào không và chúng tôi sẽ thảo luận về sự cạnh tranh mà chúng ta có với Trung Quốc, để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng và các công ty cũng như người lao động của chúng ta được hưởng lợi từ điều đó".

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska? - Ảnh 2.

Ông Antony Blinken trong một cuộc gặp ông Vương Nghị hồi năm 2015 (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Nhận định về tầm quan trọng của cuộc đối thoại trên, ông Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết: "Đó là một động thái tích cực của chính quyền Tổng thống Biden. Sẽ là một kết quả tốt nếu hai nước có thể tiến xa hơn những lời xã giao và bắt đầu nối lại cơ chế đối thoại về các vấn đề đáng quan tâm, chẳng hạn như công nghệ, thương mại hay Đài Loan".

Ông Ren Xiao - Giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Fudan (Trung Quốc) nhận định việc Mỹ - Trung tham gia vào một cuộc trao đổi có ý nghĩa quan trọng để "ngăn chặn sự hiểu lầm và vượt qua những quan điểm trái ngược".

Không có chỗ cho những kỳ vọng phi thực tế

Tuy nhiên, những khác biệt vẫn là rất lớn, và được thể hiện rõ nét qua cách hai bên mô tả về hội nghị lần này. Các quan chức Trung Quốc gọi cuộc thảo luận tại Alaska là "một cuộc đối thoại chiến lược", cách gọi gợi nhớ tới cơ chế dưới thời cựu Tổng thống Obama, khi các quan chức cấp cao hai bên gặp nhau để thảo luận các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, ông Blinken đã nhanh chóng dập tắt những kỳ vọng này khi nói thẳng rằng đó không phải là một cuộc đối thoại chiến lược.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: "Các cuộc thảo luận tại Anchorage sẽ được coi là lần tiếp xúc ban đầu, để nắm được những mối quan tâm, ý định và ưu tiên của cả hai bên". Phía Mỹ hiện chưa kỳ vọng vào bất kỳ "thành quả đàm phán cụ thể nào" từ cuộc thảo luận này. Hai bên cũng sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào sau cuộc họp.

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska? - Ảnh 3.

Ông Antony Blinken (trái) khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong cuộc gặp với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2015 (Nguồn: AP)

"Chúng tôi không có bất kỳ kỳ vọng phi thực tế nào", một quan chức cấp cao khác cho biết hôm thứ Ba vừa qua. "Tất nhiên, khi tham gia cuộc thảo luận này, chúng tôi biết rất rõ về việc Trung Quốc thường không mấy khi giữ đúng các cam kết".

"Khó có thể tìm ra cách để Mỹ và Trung Quốc tái khởi động quan hệ thành công", ông Derek Grossman, cựu cố vấn tình báo của Lầu Năm Góc, bình luận trong bài viết trên báo Nikkei Asia (Nhật Bản). Theo ông, Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc đến mức khả năng đạt được một thỏa thuận để thay đổi tình thế là gần như không có.

Những "lằn ranh đỏ"

Quan trọng hơn, những tín hiệu về "lằn ranh đỏ" - các vấn đề khó nhượng bộ, được hai bên phát đi trước thềm cuộc họp cho thấy, sẽ chưa thể kỳ vọng nhiều từ hội nghị lần này.

"Tôi tin hai bên sẽ tái khẳng định về những mối quan ngại quốc gia và lằn ranh đỏ, dù cũng sẽ xuất hiện những nỗ lực nhằm trấn an đối phương ở mức độ nào đó", Sourabh Gupta, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, nhận định. "Song chắc chắn là các mối quan ngại và những lằn ranh đỏ sẽ chi phối cuộc thảo luận ở Anchorage".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tuần trước tại cuộc họp báo thường niên đã nhắc đến những "lằn ranh đỏ" này, trong đó bao gồm vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương và Hong Kong. Tuy nhiên, theo bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, tất cả những vấn đề trên gần như chắc chắn sẽ nằm trong danh sách thảo luận của Mỹ.

Giới chức Mỹ khẳng định sẽ tham gia cuộc đàm phán với một thái độ ngày càng cứng rắn, trong bối cảnh nước này đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cố gắng củng cố quan hệ với các đồng minh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Phát biểu trước báo giới hôm thứ Ba, sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, ông Blinken đã đưa ra nhiều chỉ trích nhằm vào Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, Tân Cương hay các yêu sách hàng hải tại Biển Đông. Ông cho biết: "Chúng tôi thống nhất với nhau trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân thủ các quy tắc, hợp tác bất cứ khi nào có thể và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình. Và đặc biệt, khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp ép buộc hoặc gây hấn để giành quyền lợi, chúng tôi sẽ áp dụng những động thái phản đối nếu cần thiết".

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska? - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra những cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 16/3 (Nguồn: CNN)

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ, trong hội nghị lần này, Washington sẽ yêu cầu Bắc Kinh cần có những điều chỉnh cụ thể trong một số vấn đề nhất định, trong đó bao gồm những biện pháp gây sức ép kinh tế nhằm vào các đồng minh của Mỹ như Australia. Các lĩnh vực khác mà Blinken và Sullivan dự kiến sẽ đề cập tới bao gồm vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), vấn đề công nghệ và những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Quan chức này cũng cho biết thêm rằng, phía Mỹ sẽ tìm cách dập tắt những ý định của một bộ phận giới chức Trung Quốc về việc có thể có sự khác biệt giữa những tuyên bố công khai và những thương lượng bí mật. "Chúng tôi nghĩ rằng, điều thực sự quan trọng là phải loại bỏ ý tưởng đó ngay từ đầu. Chúng tôi có ý thức rất rõ ràng về việc duy trì sự nhất quán trên nhiều khía cạnh, từ công khai đến bí mật".

Các nỗ lực tìm kiếm điểm chung

Tại Mỹ, phát biểu trước báo giới hôm thứ Ba, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Washington dự kiến cuộc thảo luận sẽ có nhiều vấn đề gai góc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hai bên thảo luận về các vấn đề có thể hợp tác với nhau, như biến đổi khí hậu hay không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Mỹ bao gồm cả Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh rằng, cuộc gặp lần này sẽ không phải là sự khởi đầu cho một quá trình đối thoại mới, mà chủ yếu là để hai bên cùng ngồi xuống, tìm hiểu lẫn nhau, trước khi đưa ra những quyết định, bước đi tiếp theo.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhiều lần kêu gọi Mỹ đưa quan hệ "trở lại bình thường" và cho biết Bắc Kinh có thể hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống COVID-19, phục hồi nền kinh tế và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tại Alaska? - Ảnh 5.

Cuộc họp tại Alaska được kỳ vọng có thể giúp Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm những mối quan tâm chung (Nguồn: Global Times)

Bình luận về vấn đề này, Zhiqun Zhu, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell cho biết: "Việc ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị sẵn sàng đến Alaska cho thấy Trung Quốc coi trọng cuộc gặp này". Nhưng ông cũng lưu ý rằng bầu không khí chính trị ở Washington khiến ông Blinken khó có thể đến Bắc Kinh sau khi đã thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cũng cho rằng: "Nếu có bất kỳ ý nghĩa địa chính trị tích cực nào ở đây, đó là việc Mỹ và Trung Quốc đang nói chuyện với nhau. Và rốt cuộc, việc có một cuộc đối thoại vẫn tốt hơn là không. Tôi nghĩ phía Trung Quốc nhấn mạnh rất nhiều đến sự chuyển dịch tích cực này, nhưng phía Mỹ có thể không nghĩ như vậy".

Một số nhà quan sát khác lại tỏ ra lạc quan hơn, khi nhấn mạnh tới việc hai nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ đến thăm Mỹ.

Giáo sư Pang Zhongying - chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Đại Dương, Trung Quốc, cho biết: "Nếu tất cả thời gian quý báu chỉ được dành cho việc lặp lại lập trường, thì điều đó đâu phải là đối thoại. Đây ít nhất là một chuyến thăm đến Mỹ, và Trung Quốc nên cố gắng có được một danh sách các vấn đề mà phía Mỹ sẵn sàng hợp tác".

Một trong những vấn đề chung mà hai bên có thể cùng nhau thảo luận chi tiết tại cuộc họp lần này là biến đổi khí hậu. Các cuộc trao đổi sẽ được nối tiếp tại Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, diễn ra ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 5 và hội nghị khí hậu vào tháng 11 ở Glasgow, Scotland.

Hai bên cũng có thể tìm cách mở đường cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 ở Singapore hoặc trong cuộc họp G20 vào tháng 10 ở Italy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước