Theo báo cáo của IQAir, công ty Thụy Sỹ chuyên đo lường chất lượng không khí, dựa trên nồng độ bụi mịn PM2.5 thì đây là năm thứ ba liên tiếp, thủ đô của Ấn Độ giữ "danh hiệu mà chẳng nơi nào muốn".
Mùa hè 2020, khoảng 20 triệu người dân tại New Delhi đã lần đầu được hưởng bầu không khí sạch kỷ lục sau nhiều năm ô nhiễm, nhờ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài bao lâu, khi tới mùa đông, không khí ô nhiễm trở lại vì tình trạng đốt rơm rạ tại bang Punjab. Số liệu cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình năm ngoái tại New Delhi vẫn ở mức 84,1.
Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức Greenpeace Southeast Asia Analysis và IQAir, năm ngoái, ô nhiễm không khí ước tính gây ra gần 54.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh tại New Delhi.
Trước thông tin nơi mình sinh sống tiếp tục là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, người dân địa phương đã thể hiện sự thất vọng. "Tôi không thấy bất ngờ với kết quả này. Người dân New Delhi chúng ta đang phải hứng chịu những gì đã tự mình gây ra. Nếu chúng ta đứng ở vị trí ô nhiễm nhất thế giới, thì đó chắc chắn là lỗi của chúng ta", chị Surbhi - người dân New Delhi, Ấn Độ nói.
Báo cáo chất lượng không khí thế giới 2020 xếp 35 thành phố của Ấn Độ vào danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới dựa trên dữ liệu thu thập được từ 106 quốc gia. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm, nhưng thói quen sinh hoạt, mật độ dân số cao, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém vẫn khiến cho Ấn Độ khó thay đổi được tình hình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!