Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Eurozone trong tháng 9 đã giảm xuống 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 29/9.
Tỷ lệ lạm phát này là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 và sẽ phần nào giảm nhẹ áp lực cho hàng triệu hộ gia đình vẫn đang phải vật lộn với chi phí tăng cao.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Eurozone trong tháng 9 cho thấy mức giảm ngoạn mục từ mức 5,2% trong tháng 8.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm dễ biến động, đã giảm nhiều hơn dự đoán của các nhà phân tích là 4,5% từ mức 5,3%. Giá năng lượng giảm 4,7% trong tháng 9, trong khi lạm phát giá thực phẩm vẫn ở mức cao 8,8%.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gần đây đã điều chỉnh dự báo lạm phát tăng cho cả năm 2023 lên 5,6% và năm 2024 lên 3,2%, chủ yếu do quỹ đạo tăng giá năng lượng.
Lạm phát chậm lại đang củng cố hy vọng rằng Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ không phải hạn chế hơn nữa nền kinh tế khối này bằng cách tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục.
Trái cây tươi trưng bày tại quầy bán nông sản bên trong khu chợ có mái che ở trung tâm Madrid, Tây Ban Nha, ngày 30/8. (Ảnh: Bloomberg)
Jack Allen-Reynolds, Phó giám đốc kinh tế Khu vực đồng Euro tại Capital Economics, cho biết, lạm phát cơ bản giảm "củng cố quan điểm của chúng tôi rằng ECB đã hoàn tất việc tăng lãi suất".
Lạm phát tại các nền kinh tế lớn thuộc Eurozone là rất khác nhau. Lạm phát hàng năm trong tháng 9 của Đức giảm xuống 4,3% từ mức 6,4% một tháng trước đó. Trong khi đó, lạm phát ở Tây Ban Nha tăng lên 3,2% từ mức 2,4%.
Dữ liệu được công bố cùng vào ngày 29/9 đã mang đến một số tin tức đầy hứa hẹn cho Pháp khi lạm phát ở nước này bất ngờ chậm lại trong tháng 9, dữ liệu sơ bộ cho thấy. Giá tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (dữ liệu chính thức hài hòa của EU ở mức 5,6%).
Giá cả tăng cao đã kìm hãm nền kinh tế châu Âu vì tiền lương của người dân không còn đủ để chi trả cho các hóa đơn, buộc họ phải cắt giảm những khoản chi tiêu khác.
Tăng trưởng kinh tế đã trì trệ ở mức trên 0 trong sáu tháng đầu năm, trong đó một số chỉ số cho thấy sự suy thoái trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 hiện tại.
Đợt lạm phát bùng nổ này xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện và nguyên liệu thô. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến giá năng lượng tăng vọt khi Moscow cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu.
Những nút thắt trong chuỗi cung ứng và giá năng lượng đã giảm bớt, nhưng lạm phát vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giá cả các dịch vụ như cắt tóc, lưu trú tại khách sạn đều có giá cao hơn, đồng thời người lao động yêu cầu tăng lương để bù đắp cho chi phí tăng cao khiến họ phải cắt giảm chi tiêu.
EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone VTV.vn - Ngày 11/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống 0,8% - từ mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!