Cuộc họp vừa kết thúc vào đêm qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng sẽ có những thay đổi trong chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Và thực tế các chính sách được cơ quan này dự kiến đưa ra thậm chí còn quyết liệt hơn so với dự đoán của thị trường.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ sớm siết chặt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ để ngăn lạm phát đang tăng nóng.
Đầu tiên, Cơ quan này sẽ đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng để kết thúc vào khoảng tháng 3 năm 2022. Từ tháng 1 tới, quy mô chương trình này chỉ còn 60 tỷ USD mỗi tháng, bằng một nửa với giai đoạn trước tháng 11 năm nay.
Sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu, FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất. Dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022. Mỗi lần tăng khoảng 0,25 điểm % để đạt mức 0,9% vào cuối năm tới.
Áp lực lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến người lao động trên khắp nước Mỹ. Ảnh: iStock.
Bà Liz Miller - Chủ tịch công ty Cố vấn tài chính Summit Place cho biết: "Tôi không nghĩ có nhiều bất ngờ như vậy. Dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022, đó là một thay đổi lớn. Hồi tháng 9, chúng tôi hầu như không nghĩ đến một lần tăng lãi suất nào trong năm tới".
Những động thái có phần quyết liệt hơn dự đoán của FED đã ngay lập tức có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Chốt phiên giao dịch ngày thứ tư tại sàn New York, cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm mạnh. Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ, kéo chỉ số Nasdaq tăng gần 2,2% lên 15.565,6 điểm.
Kết thúc cuộc họp, FED cũng công bố mức lãi suất dự kiến cho năm 2023 và 2024 lần lượt là 1,6 và 2,1%. Những động thái lần này của FED cũng cho thấy sự điều chỉnh đáng kể với chính sách hỗ trợ nền kinh tế, được đánh giá là lỏng lẻo nhất trong lịch sử 108 năm của của cơ quan này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!