Người dân Mỹ đi mua sắm ở một trung tâm thương mại thuộc bang Pennsylvania ngày 26/11 - Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia, điều này đang ảnh hưởng đến sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế.
Tại các nước châu Âu, giá cả tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đồng tiền chung euro được đưa vào sử dụng vào đầu năm 1999. Tỷ lệ lạm phát năm 2021 ở Anh đã lên tới 5,4% trong tháng 12, con số cao nhất trong gần 30 năm qua.
Ngay ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi bong bóng bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đánh giá, đợt lạm phát năm 2021 vẫn là đợt tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay, chỉ có Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.
Riêng tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc biện pháp giải quyết tỉ lệ lạm phát 7% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Lạm phát đang xóa sổ việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ.
Theo một số chuyên gia kinh tế Mỹ, người dân nước này đang phải chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn những nơi khác. Trong năm 2021, giá hàng hóa tại Mỹ đã tăng 16,8%, gấp hơn 4 lần mức tăng của các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng, cắt tóc hoặc chăm sóc y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!