Điều này củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ triển khai việc tăng lãi suất chậm hơn so với các nền kinh tế khác.
Các nhà kinh tế học cung cấp thông tin cho Reuters rằng, dữ liệu cũng cho thấy, Nhật Bản có thể sẽ có mức thâm hụt thương mại lớn nhất trong 8 năm qua vào tháng 1/2022, khi giá nhiên liệu và nguyên liệu thô liên tục tăng, khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên toàn Nhật Bản có khả năng tăng 0,3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm 2021, chậm lại so với mức tăng 0,5% trong tháng 12/2021, cuộc thăm dò ý kiến của 16 nhà kinh tế học cho thấy.
Sự chậm lại này phần lớn là do các yếu tố xảy ra một lần, chẳng hạn như tác động cơ bản từ việc tạm dừng chiến dịch giảm giá du lịch của Chính phủ Nhật Bản vào cuối năm 2020.
Theo các nhà phân tích, khi loại bỏ các yếu tố tạm thời như vậy, lạm phát tiêu dùng có thể sẽ tăng lên.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết: "Giá hàng hóa nhập khẩu đang tăng và ảnh hưởng đang lan rộng đến giá cả trong nước".
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, lạm phát tiêu dùng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong thời điểm hiện tại, buộc ngân hàng phải duy trì chính sách lỏng lẻo.
Dữ liệu cho thấy, Nhật Bản bị thâm hụt thương mại 1.607 tỷ Yen (13,91 tỷ USD) trong tháng 1, mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 1/2014.
Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng 37,1% trong tháng 1/2022 do chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng, vượt xa mức tăng 16,5% trong xuất khẩu, kết quả một cuộc thăm dò cho thấy.
Theo đó, các đơn đặt hàng máy móc có khả năng giảm 1,8% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong bốn tháng qua.
Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu CPI vào lúc 8h30 ngày 18/2 (theo giờ địa phương). Dữ liệu thương mại và dữ liệu đơn đặt hàng máy móc sẽ đến hạn vào lúc 8h50 ngày 17/2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!