Làm thế nào để phòng tránh và ứng phó với COVID-19 trong mùa lễ hội?
Thái Lan sẵn sàng ứng phó với COVID-19 sau lễ Songkran
COVID-19 vẫn là dịch bệnh lây lan nhanh. Cho nên đương nhiên là rủi ro lây nhiễm sẽ xuất hiện khi có những sự kiện tụ tập đông người. Ví dụ như Tết Songkran vừa diễn ra ở Thái Lan, có khoảng 4 triệu du khách đi lại, du lịch nội địa tại đất nước chùa Vàng chỉ trong có mấy ngày. Nhưng điều khác biệt của năm nay là cách mà giới chức nước này đã khuyến cáo người dân và du khách đi du lịch trong bối cảnh gia tăng số ca mắc và đã chủ động các biện pháp phòng tránh và ứng phó dịch bệnh. Giới chức Thái Lan khẳng định tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Tổng cục Du lịch Thái lan cho biết, đã có hơn 300 nghìn du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này trong tuần nghỉ Tết Songkran năm nay, tăng 525% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, để ngành du lịch không bị ảnh hưởng do một đợt bùng phát dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Tết Songkran và hướng tới mục tiêu thu hút khoảng 30 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay, Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine nhắc lại để ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng nếu không may nhiễm bệnh; đồng thời khuyến cáo những người tham gia các hoạt động vui chơi Tết Songkran nên theo dõi sức khỏe bản thân trong 7 ngày, tránh tiếp xúc người già và xét nghiệm ngay nếu xuất hiện các triệu chứng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Thái Lan cũng đang chuẩn bị thành lập Trung tâm Điều hành Khẩn cấp để chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 và đảm bảo các nhân viên y tế cũng như thiết bị đã sẵn sàng để ứng phó với số ca nhiễm mới gia tăng.
Tiến sĩ Supakit Sirilak - Cục trưởng Khoa học Y tế, Bộ Y tế Thái Lan cho biết: "Có thể sẽ cần khoảng 2 tuần để đánh giá cụ thể về tốc độ lây nhiễm của chủng XBB.1.16. Các triệu chứng chủ yếu của biến thể này là ho, sốt, đau họng, một số bệnh nhân còn bị nhiễm trùng hoặc kích ứng ở mắt. Tôi không cho rằng XBB.1.16 có độc lực mạnh như Delta".
Bộ Y tế Thái Lan nhận định, biến thể XBB.1.16 sẽ là biến thể chủ đạo ở nước này trong thời gian tới, khẳng định không có dấu hiệu cho thấy biến thể này miễn dịch với các loại thuốc kháng virus như Favipiravir, Molnupiravir hay Remdersivir.
Không chỉ có Thái Lan, tại Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đang rục rịch tổ chức lễ hội đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Giới chức cũng cảnh báo về khả năng lây nhiễm nhanh hơn - đặc biệt ở những nhóm dân số. Bộ Y tế Malaysia cho biết, số ca nhiễm từ đầu tháng 4 tới giờ có tới hơn một nửa là những người 63 tuổi trở lên, 90% số ca nhiễm vốn đã có bệnh nền.
COVID-19 tiến đến giai đoạn "bệnh đặc hữu"
Kể từ năm ngoái, nhiều chuyên gia y tế cũng đã nhận định, các đợt lây nhiễm mới nhỏ lẻ cũng sẽ quay lại, khi các quốc gia quyết định quay trở lại cuộc sống bình thường và sống chung với COVID-19. Về biến chủng XBB.1.16, không có nghiên cứu nào chỉ ra là nó sẽ gây triệu chứng nặng như biến chủng Omicron hay Delta.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Y tế Singapore còn hạ mức lây lan của dịch COVID-19 từ đại dịch toàn cầu, xuống thành bệnh đặc hữu - một loại dịch bệnh lây lan trong phạm vi nhỏ hơn, dễ đoán và dễ kiểm soát hơn.
Theo tờ Straitimes, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói rằng, tuy số ca nhiễm tại nước này có tăng lên, nhưng triệu chứng bệnh không nặng hơn. Các khu vực chăm sóc tích cực cũng chưa bị quá tải. "Nhiều người hiểu sai về làn sóng lây lan. Virus SARS-CoV-2 luôn luôn hiện hữu trong mỗi cộng đồng chứ không phải là từ bên ngoài biên giới. Cho nên làn sóng lây nhiễm hiện nay chính là đến từ các ca tái nhiễm trong cộng đồng - khi mà miễn dịch của mọi người bị suy giảm do đã được tiêm phòng từ lâu".
Bộ Y tế Singapore đang tiếp tục giải trình tự gen các mẫu virus. Hiện có nhiều biến thể đang lưu hành - XBB, XBB.1.5, XBB.1.9, XBB.1.16, hay XBB.2.3 nhưng không có chủng nào trội lên nhất. Bộ trưởng Ong cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ chủng XBB hiện tại nào gây bệnh nặng hơn. "Những gì đang xảy ra là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta đã tiến xa. Ngay cả trong đợt lây nhiễm COVID-19 như bây giờ, chúng ta vẫn tiếp tục sống bình thường, không bận tâm về số ca nhiễm, không nói mãi về nó. Đây là đặc điểm của bệnh đặc hữu".
Tại Mỹ, đầu năm nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đề xuất tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường hàng năm cho người dân Mỹ tương tự tiêm ngừa virus cảm cúm. Cụ thể, FDA đã đề xuất tiêm 1 mũi tăng cường hàng năm cho người trưởng thành khỏe mạnh và đang thảo luận đề xuất tiêm 2 mũi tăng cường mỗi năm đối với một số trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có suy giảm miễn dịch. Ngay cả tại Ấn Độ, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng cao ở hầu hết các địa phương, giới chức y tế cũng cho rằng, dịch bệnh đã đi vào giai đoạn bệnh đặc hữu giống cúm mùa.
Bác sỹ Vijay Kumar Gurjar - Bệnh viện Chuyên khoa Primus Super, New Delhi chia sẻ: "COVID-19 không còn được coi là một đại dịch mà là một hiện tượng phổ biến mà mọi người thỉnh thoảng sẽ gặp phải. Điều này cũng cho thấy rằng mọi người có thể phải học cách sống chung với virus trong thời gian dài và các biện pháp sẽ phải được đưa ra để kiểm soát virus trong khi vẫn cho phép cuộc sống hàng ngày tiếp tục".
Theo các chuyên gia y tế, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan không phòng bệnh, nhất là khi các biện pháp phòng bệnh hoàn toàn nằm trong khả năng như đeo khẩu trang hay sát khuẩn tay. Đặc biệt là trong những sự kiện đông người, phòng bệnh vẫn tốt hơn là chữa bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!