Lần đầu tiên Ecuador bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc khoan dầu ở rừng Amazon

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ sáu, ngày 18/08/2023 06:22 GMT+7

Xe bồn di chuyển trong Công viên quốc gia Yasuní của Ecuador. (Ảnh: Alamy)

VTV.vn - Người dân Ecuador sẽ quyết định điều gì quan trọng hơn, khoan dầu hay bảo vệ rừng Amazon trong một cuộc trưng cầu dân ý được theo dõi chặt chẽ vào ngày 20/8.

Đối với một số người, rừng Amazon ở Ecuador là ngôi nhà và là công cụ có giá trị trong việc chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, đối với những người khác, đó là giải pháp sống còn cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Việc khoan dầu đang diễn ra tại Công viên quốc gia Yasuni ở Ecuador, một trong những sinh quyển đa dạng nhất trên thế giới và là nơi sinh sống của ba trong số các cộng đồng bản địa không được tiếp xúc cuối cùng trên thế giới.

Việc khoan dầu nói trên bắt đầu vào năm 2016 sau nhiều năm tranh luận căng thẳng và những nỗ lực thất bại của Tổng thống Ecuador khi đó là Rafael Correa nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế trả cho Ecuador 3,6 tỷ USD tiền mặt để nước này không khoan dầu ở đây.

Sau nhiều năm yêu cầu trưng cầu dân ý, Tòa án tối cao Ecuador đã chấp thuận việc bỏ phiếu vào tháng 5 để quyết định số phận của "Block 43", đóng góp 12% trong số 466.000 thùng dầu mỗi ngày do Ecuador sản xuất. Chính phủ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Guillermo Lasso ước tính thiệt hại lên tới 16 tỷ USD trong 20 năm tới nếu việc khoan dầu bị dừng lại.

Lần đầu tiên Ecuador bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc khoan dầu ở rừng Amazon - Ảnh 1.

Giàn khoan dầu Porto Mirando do PetroAmazonas điều hành, nằm dọc biên giới của Công viên Quốc gia Yasuni. (Ảnh: Mongabay)

Khu bảo tồn Yasuni là quê hương của các bộ lạc Waorani và Kichwa, cũng như Tagaeri, Taromenane và Dugakaeri, những bộ tộc chọn cách sống biệt lập với thế giới hiện đại.

Công viên Quốc gia Yasuni là "lá phổi cho thế giới", thu giữ carbon dioxide và thải ra oxy và hơi nước.

Lưu vực sông Amazon, trải dài trên 8 quốc gia, là một bể chứa carbon quan trọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, thực trạng tàn phá rừng Amazon đang đẩy khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đến gần ngưỡng nguy hiểm, vượt qua ngưỡng này cây cối sẽ chết dần và giải phóng carbon thay vì hấp thụ, gây hậu quả thảm khốc cho khí hậu.

Vườn quốc gia Yasuni có khoảng 2.000 loài cây, 610 loài chim, 204 loài động vật có vú, 150 loài lưỡng cư và hơn 120 loài bò sát. Số phận của khu bảo tồn đã thu hút sự chú ý của những người nổi tiếng quốc tế như ngôi sao Hollywood và nhà hoạt động môi trường Leonardo DiCaprio.

"Với cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trên toàn thế giới này, Ecuador có thể trở thành một ví dụ điển hình trong việc dân chủ hóa chính trị khí hậu, mang đến cho cử tri cơ hội bỏ phiếu không chỉ cho rừng mà còn cho các quyền của người dân bản địa, khí hậu Trái đất và sự thịnh vượng của hành tinh chúng ta", Leonardo DiCaprio viết trên Instagram trong tháng 8 này.

Nhà vận động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg cũng ca ngợi đây là "cuộc trưng cầu dân ý lịch sử".

Tổ chức phi chính phủ Amazon Frontlines cho biết, cuộc bỏ phiếu là "một minh chứng đầu tiên về nền dân chủ khí hậu, nơi người dân, chứ không phải các tập đoàn, có quyền quyết định về việc khai thác tài nguyên và các giới hạn của nó".

Kết quả ban đầu của các cuộc thăm dò dư luận được công bố vào đầu tháng 8 cho thấy xu hướng nghiêng về phiếu bầu "Có" đối với việc ngừng khoan dầu.

Khai thác vàng trong rừng Amazon đầu độc động thực vật Khai thác vàng trong rừng Amazon đầu độc động thực vật

VTV.vn - Thủy ngân từ hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp hoặc tại những khu hợp pháp đang ảnh hưởng đến các loài động vật có vú trong rừng nhiệt đới Amazon.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước