Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. (Ảnh: Aljazeera)
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hoặc B. pseudomallei, còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người, có thể gây ra căn bệnh melioidosis (còn gọi là Whitmore) gây tử vong trong 10 - 50% trường hợp. Đây là lần đầu tiên loại vi khuẩn đặc biệt này được tìm thấy ở Mỹ
Nơi phát hiện vi khuẩn ăn thị người là vùng Bờ Vịnh, miền Nam bang Mississippi, khi giới chức y tế Mỹ điều tra hai trường hợp mắc bệnh Whitmore tại khu vực này. Hai bệnh nhân trên không liên quan đến nhau và mắc bệnh cách nhau 2 năm, vào năm 2020 và năm 2022. Giới chức y tế Mỹ đang tiến hành kiểm tra các vật dụng trong nhà và môi trường quanh nhà của họ.
Ba mẫu lấy từ đất và vũng nước có kết quả xét nghiệm dương tính với B. pseudomallei, “cho thấy vi khuẩn từ môi trường là nguồn lây nhiễm có thể xảy ra cho cả hai người này và đã hiện diện trong khu vực ít nhất từ năm 2020”, CDC Mỹ cho biết.
CDC Mỹ khuyến cáo, những người sống trong khu vực này, có các bệnh lý nền như béo phì, thận mãn tính, viêm phổi hay lạm dụng rượu, nên có những biện pháp đề phòng bệnh như tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, đi ủng và găng tay, che chắn vết thương hở khi làm vườn.
Căn bệnh này có thể gây ra một loạt các triệu chứng như sốt, đau khớp, đau đầu và có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, nhiễm trùng máu và hình thành áp xe.
Trung bình có 12 trường hợp được xác định nhiễm vi khuẩn ăn thịt người ở Mỹ mỗi năm và thường có tiền sử vừa đi du lịch đến một quốc gia có vi khuẩn lưu hành. Virus thường được tìm thấy ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Nam và Đông Nam Á, Bắc Úc và các phần của Trung và Nam Mỹ, Puerto Rico.
Các trường hợp khác, chẳng hạn như 4 trường hợp ở 4 bang riêng biệt vào năm 2021, có liên quan đến thuốc xịt tạo hương thơm nhập khẩu, các quan chức Mỹ cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!