Người dân Italy đã có thể ra ngoài vào ngày 26/4, sau khi nới lệnh phong tỏa.
Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y tế toàn cầu cảnh báo, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
"Tháng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, có chưa đến 10 nghìn ca được ghi nhận, nhưng chỉ trong tháng 5, đã có 4 triệu ca được ghi nhận", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho biết.
Tuần qua, nước Mỹ 2 ngày liên tiếp ghi nhận kỷ lục buồn về số ca mắc mới COVID-19 trong ngày. Mức đỉnh ghi nhận hơn 35 nghìn ca vào hôm thứ Tư vừa qua, đã ngay lập tức bị phá vỡ chỉ 1 ngày hôm sau, với hơn 41 nghìn ca mắc mới.
Một bãi tắm tại Barton Creek ở Austin, bang Texas (Mỹ) tuần trước - Ảnh: NYT
Các khảo sát của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ còn chỉ ra rằng, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức. Diễn biến tồi tệ này được xem là hệ quả của sự thiếu thống nhất trong biện pháp ứng phó của các bang, với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không mang tính bắt buộc.
Brazil và Nga lần lượt là quốc gia có tổng số ca mắc cao thứ hai và thứ ba thế giới, châu Âu cũng trở nên đáng lo ngại với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng rõ rệt, kể từ khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm cải tạo lại từ trường học ở New Delhi ngày 22/6. Ảnh trong bài: Reuters
Ông Hans Kluge - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu - nói: "Khoảng 30 quốc gia châu Âu đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong hai tuần qua, 11 trong số các quốc gia này đang có sự gia tăng lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng. Nếu không được kiểm soát, có thể sẽ đẩy các hệ thống y tế ở châu Âu tới bờ vực một lần nữa".
Một số quốc gia châu Á cũng đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran, trong khi số lượng bệnh nhân tăng mạnh tại Ấn Độ. Châu Phi và Mỹ Latin có số ca mắc COVID-19 mới cũng tăng lên đáng lo ngại.
Các số liệu hiện nay là một lời cảnh tỉnh rằng, khi vaccine còn chưa có, các phương pháp chữa bệnh còn đang được nghiên cứu, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây lan. Vì vậy, chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn lây lan dịch bệnh và bảo vệ tính mạng con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!