Cuộc họp của lãnh đạo cao cấp nhất của các nước thành viên NATO sẽ diễn ra trong hai ngày, nhằm thông qua một tuyên bố chính trị, khẳng định: "củng cố thế trận" của NATO ở sườn phía Đông và Đông - Nam giáp Biển Đen. Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này đánh dấu sự tham dự lần đầu tiên của lãnh đạo các nước không thành viên ở quanh Thái Bình Dương là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid là xây dựng được một Khái niệm Chiến lược mới, cơ sở cho mọi hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương. NATO sẽ chuyển từ quan điểm "răn đe" sang "vừa răn đe vừa phòng thủ", xác định 10 năm tới sẽ là "kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược".
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO cho biết: "Thượng đỉnh Madrid là hội nghị quan trọng, chúng tôi sẽ thống nhất một Khái niệm Chiến lược mới, quan điểm chủ đạo cho NATO trong một thế giới nguy hiểm hơn và khó dự đoán. Chúng tôi sẽ thay đổi cơ bản về răn đe và phòng thủ với lực lượng phòng thủ tuyến đầu đông hơn và nhiều trang thiết bị hơn".
Khái niệm Chiến lược hiện tại của liên minh quân sự NATO được thông qua cách nay đã 12 năm, tại Thượng đỉnh NATO Lisbon 2010 với khách mời đặc biệt, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Trong bối cảnh hòa hoãn lúc đó, Khái niệm Chiến lược của NATO đã xác định coi nước Nga là "đối tác chiến lược", cùng nhau cam kết duy trì hòa bình tại châu Âu. Những dòng này đã không còn tồn tại trong bản dự thảo Khái niệm Chiến lược mới đang được bàn thảo.
Trên thực tế, "đối tác chiến lược" đã tan vỡ từ khi nước Nga bất ngờ sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga. Sau sự kiện đó, NATO đã triển khai các "nhóm chiến đấu" đa quốc gia cấp tiểu đoàn tại ba nước Baltic và Ba Lan, là những nước thành viên NATO có chung biên giới với Nga.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nói: "Tại thượng đỉnh, chúng tôi sẽ bàn cách tăng cường khả năng phòng thủ, nâng cấp các nhóm chiến đấu ở sườn phía Đông lên cấp lữ đoàn. Chúng tôi sẽ củng cố lực lượng phản ứng nhanh của NATO và tăng số quân sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000. Những chi tiết này sẽ tạo nên thay đổi quy mô nhất về khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh".
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này cũng sẽ đưa ra đánh giá tổng thể về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine từ hơn 4 tháng nay. Các nước NATO vẫn cố tránh tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, mà chỉ cam kết ủng hộ Ukraine, cung cấp vũ khí, đào tạo binh lính và chia sẻ thông tin tình báo. Hội nghị cũng sẽ thảo luận kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia vừa từ bỏ vị thế trung lập và xin gia nhập liên minh quân sự NATO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!