Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan, bà Roza Otunbayeva, đã đưa ra cảnh báo trên hôm 8/3.
Bà Roza Otunbayeva cho biết, Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ lớn nhất từ trước đến nay đối với một quốc gia, trong đó mức khuyến nghị viện trợ lên tới 4,6 tỷ USD vào năm 2023 để hỗ trợ cho Afghanistan, nơi 2/3 dân số, tương đương khoảng 28 triệu người, cần viện trợ để sinh tồn.
Tuy nhiên, bà Otunbayeva nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng việc cung cấp viện trợ đó đã gặp rủi ro bởi chính quyền Taliban cấm phụ nữ học trung học và đại học, đến thăm công viên và làm việc cho các tổ chức viện trợ. Phụ nữ cũng không được phép ra khỏi nhà nếu không có nam giới hộ tống và phải che mặt.
"Việc tài trợ cho Afghanistan có thể sẽ bị suy giảm nếu phụ nữ không được phép làm việc", bà Otunbayeva nói. "Nếu số lượng hỗ trợ bị giảm, việc trả tiền mặt khi bốc xếp hàng (cứu trợ) xuống tàu cần thiết (phục vụ cho hỗ trợ người dân Afghanistan) cũng sẽ giảm".
Bà Otunbayeva thông tin, các cuộc thảo luận về việc cung cấp viện trợ theo dạng viện trợ phát triển hơn cho những thứ như dự án cơ sở hạ tầng nhỏ hoặc chính sách chống lại tác động của biến đổi khí hậu đã tạm dừng do các lệnh cấm.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan, bà Roza Otunbayeva. (Ảnh: EPA/EFE)
Mỹ là quốc gia tài trợ lớn nhất cho kế hoạch viện trợ năm 2022 của Liên hợp quốc tại Afghanistan với số tiền hơn 1 tỷ USD. Khi được hỏi về khả năng cắt giảm viện trợ cho Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington đang xem xét tác động của lệnh cấm vận chuyển hàng viện trợ và tham khảo ý kiến chặt chẽ với Liên hợp quốc.
Ông Price xác nhận, Mỹ muốn đảm bảo "Taliban không ảo tưởng rằng họ có thể có được cả hai gồm vẫn nhận được viện trợ, đồng thời có thể không thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế".
Chính quyền Taliban, nắm quyền vào tháng 8/2021 khi các lực lượng do Mỹ đứng đầu rút khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, cho biết, họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích nghiêm ngặt của luật Hồi giáo.
"Họ (Taliban) tước đoạt một cách có hệ thống các quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái", Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại Liên hợp quốc Lana Nusseibeh tuyên bố. "Những quyết định này không liên quan gì đến luật Hồi giáo hay văn hóa Afghanistan và có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự cô lập quốc tế đối với đất nước Afghanistan".
Bà Otunbayeva nói rằng trong khi một số phụ nữ Afghanistan ban đầu nói rằng họ hoan nghênh việc Taliban lên nắm quyền vì nó đã kết thúc chiến tranh ở nước này, nhưng họ sau đó đã nhanh chóng bị mất hy vọng và niềm tin.
Bà Otunbayeva phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Afghanistan trùng với Ngày Quốc tế Phụ nữ: "Họ nói rằng việc tách họ khỏi cuộc sống cộng đồng chẳng khác gì sự sợ hãi trước cái chết bạo lực.
Afghanistan dưới thời Taliban vẫn là quốc gia đàn áp quyền của phụ nữ nhất thế giới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!