Người tị nạn từ vùng Nagorny-Karabakh lái ô tô qua trạm kiểm soát ở làng Kornidzor, Armenia, ngày 24/9. (Ảnh: Cyprus Mai)
Việc Liên hợp quốc cử phái bộ đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh là nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo sau khi Azerbaijan giành lại lãnh thổ này, dẫn đến một đợt di cư lớn của cư dân tại đây.
"Chính phủ Azerbaijan và Liên hợp quốc đã nhất trí về một phái bộ tới khu vực. Nhiệm vụ sẽ diễn ra vào cuối tuần", người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên hôm 29/9.
Thông báo này được đưa ra ngay sau yêu cầu của Armenia lên Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Azerbaijan rút toàn bộ quân khỏi các cơ sở dân sự ở Nagorny-Karabakh để Liên hợp quốc có quyền tiếp cận an toàn, Tòa án Công lý Quốc tế cho biết hôm 29/9.
Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng 2 đã ra lệnh cho Azerbaijan đảm bảo việc di chuyển tự do qua hành lang Lachin đến và đi từ khu vực tranh chấp, khi đó là bước trung gian trong các tranh chấp pháp lý với nước láng giềng Armenia.
Người tản cư từ Nagorny-Karabakh chờ đợi tại quảng trường ở trung tâm thành phố Goris, trước khi được sơ tán tới các thành phố khác nhau của Armenia, ngày 29/9. (Ảnh: The New Arab)
Trong yêu cầu về các biện pháp tạm thời được đệ trình hôm 28/9, Armenia đã đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế tái khẳng định các lệnh mà tòa án đã đưa ra cho Azerbaijan vào tháng 2 và ra lệnh cho nước này kiềm chế mọi hành động trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm mục đích di dời những người dân tộc Armenia còn lại khỏi khu vực.
Một số chuyên gia quốc tế cho rằng việc người dân tộc Armenia tản cư khỏi Nagorny-Karabakh đáp ứng các điều kiện bị coi là tội ác chiến tranh "trục xuất hoặc cưỡng bức di dời", thậm chí là tội ác chống lại loài người.
Tuần trước, các lực lượng của Azerbaijan đã nắm quyền kiểm soát nhà nước tự tuyên bố ở Nagorny-Karabakh, khu vực chủ yếu là người dân tộc Armenia sinh sống, khiến người dân phải chạy trốn và làm dấy lên lo ngại về việc thanh lọc sắc tộc.
Trong những năm qua, giữa Azerbaijan - Armenia đã xảy ra hai cuộc chiến tranh tranh chấp khu vực này.
Ông Dujarric cho biết: "Chúng tôi đã không thể tiếp cận được nơi đó trong khoảng 30 năm vì tình hình địa chính trị rất phức tạp và nhạy cảm"; "Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng tôi có thể vào được (Nagorny-Karabakh)". Người phát ngôn Liên hợp quốc nói thêm rằng phái bộ sẽ thực hiện điều này bằng đường hàng không từ Azerbaijan.
Một nhóm gồm khoảng 10 người do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc dẫn đầu sẽ đánh giá nhu cầu của những người còn ở lại Nagorny-Karabakh và những người đang di chuyển.
Ông Dujarric nói: "Và tất nhiên, (phái bộ) nhắc nhở mọi người cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là luật nhân quyền quốc tế".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!